Sinh ra trong một gia đình ngoại
giáo ở Bắc Ninh năm 1795, Trần An Dũng theo cha mẹ vào Kẻ Chợ, nay là Hà Nội.
Tại đây vì nhà nghèo, cậu được gửi gấm cho một thầy giảng nuôi nấng dạy dỗ và
rửa tội với tên thánh là Anrê. Ít lâu sau, cậu Dũng xin vào chủng viện Vĩnh
Trị, ở với cha chính Lan. Ngay từ đó, cậu Dũng lại siêng năng cần mẫn, có khiếu
về thơ phú và giao tiếp với mọi người cách lịch thiệp hòa nhã. Có người nói
rằng cậu chỉ đọc qua một đoạn sách hai lần là đã thuộc lòng.
Sau 10 năm làm thầy giảng và 3
năm thần học, ngày 15-3-1823, thầy Dũng được lãnh chức linh mục (cùng với lớp
thánh Ngân và Nghi), rồi được bổ nhiệm làm phó xứ Đồng Chuối giúp cha Khiết.
Sau đó về giúp cha Thi ba năm ở xứ Đoài, rồi lại giúp cha Thuyết ở Sơn Miêng.
Cuối cùng, khi làm chánh xứ Kẻ Đầm thì bị bắt. Suốt cuộc đời linh mục, cha Dũng
sống nhiệm nhặt.
Ngoài những ngày ăn chay theo
luật của Giáo Hội, cha còn giữ chay suốt Mùa Chay, và nhiều khi cả các ngày thứ
sáu, thứ bảy quanh năm. Thường xuyên cha chỉ dùng những thức ăn đơn giản. Cha
Dũng hết mình với nhiệm vụ chủ chăn, chẳng khi nào thấy cha ngại ngùng việc gì.
Cha có lòng ưu ái đặc biệt với người nghèo. Có được của cải gì, cha chia xẻ cho
họ hầu hết.
Khi lệnh bách hại của vua Minh
Mạng trở nên gay gắt qua chiếu chỉ toàn quốc ngày 6-1-1833, cha phải ẩn náu tại
các nhà bổn đạo, sau trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó. Một hôm, cha dâng lễ
vừa xong thì quân lính ập tới, cha liền cởi áo lễ và ngồi lẫn trong tín hữu.
Lính bắt cha như một trong 30 giáo hữu hôm đó, vì quan quân không biết cha là
linh mục. Ông Tổng Thìn bỏ ra 6 nén bạc, nhận cha là thân nhân đi dự lễ để
chuộc về. Từ đấy cha đổi tên là Lạc.
Lần thứ hai cha bị bắt khi đến Kẻ
Sông xưng tội với cha Thi theo thói quen hàng tháng. Lý trưởng Pháp bắt được
hai linh mục và mặc cả với giáo hữu phải chuộc với giá 200 quan. Các tín hữu
gom góp được 100 quan nên viên lý trưởng chỉ tha cha Lạc. Thế nhưng ngay trên
đường về, vì gặp mưa gió, thuyền cha phải ghé vào bờ. Căn nhà cha đang trú lại
đang bị quân lính khám xét. Thế là cha bị bắt lần thứ ba và bị giải lên huyện
Bình Lục cùng với cha Thi.
Một lần nữa, giáo hữu cùng Đức Cha Retord Liêu
tìm cách chuộc hai cha về, nhưng lần này cha Lạc thấy ý Chúa đã định cho mình,
ngài nhắn về với Đức Cha câu chuyện thánh Phêrô hai lần thoát khỏi ngục, đến lần
thứ ba, Chúa Giêsu đã yêu cầu ở lại tử đạo tại Roma, và xin các tín hữu đừng lo
liệu tiền chuộc làm chi nữa.
Các thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã anh dũng làm
chứng cho niềm tin của mình. Vì Danh Chúa Kitô, các Ngài đã chấp nhận đổ máu
đào, hy sinh mạng sống mình, quyết một lòng theo Chúa Kitô cho đến giọt máu
cuối cùng.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con kiên
tâm bền chí để làm chứng cho Chúa ngay trong công sở, nơi xóm làng và những nơi
con hiện diện, dù có gặp phải gian nan thử thách. Xin giúp con biết sống và
thực hành Lời Chúa, giúp đỡ tha nhân, sống công bằng bác ái, siêng năng cầu
nguyện, để con luôn được kết hợp mật thiết với Chúa. Làm được những điều trên
thì đó chính là con đang làm chứng cho Chúa ở đời này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét