Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Bùng cháy ngọn lửa "Giêsu"



Lời Chúa: Thứ Năm tuần XXIX thường niên B

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49)

Suy niệm: “Vũ khí mạnh nhất của thế giới là ngọn lửa bùng cháy trong tâm hồn con người” (Thống chế Foch). Lửa mà Đức Giêsu ném vào mặt đất và muốn bùng lên trong tâm hồn con người là lửa nào? Thưa là lửa từ Trái Tim của Ngài: lửa yêu mến Chúa Cha, lửa yêu thương không giới hạn với con người. Vì lửa tình yêu ấy, Ngài đã tự hủy, từ trời xuống thế làm người. Là lửa nhiệt thành của Chúa Thánh Thần Tình Yêu bùng cháy lên trong tâm hồn các tông đồ ngày lễ Hiện Xuống, ngọn lửa sưởi ấm trái tim nguội lạnh hai môn đệ trên đường Emmau sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh. Đó cũng là ngọn lửa thanh luyện ta khỏi những cặn dơ của tính hưởng thụ ích kỷ, thói tôn sùng cái tôi.

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Của cải đích thực



Lời Chúa: Thứ Hai, tuần XXIX thường niên năm B

“Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.” (Lc 12,15)

Suy niệm: Một trong những cám dỗ thường tình của con người là tiền bạc của cải. Ai cũng hám của cải, bạc vàng: không có thì ước cho có, có ít thì mong có nhiều, có nhiều lại muốn nhiều hơn, thật là “lòng tham không đáy”! Chúa Giêsu nhiều lần cảnh giác mọi người về việc sở hữu và sử dụng của cải. Ngài dạy thái độ phải có khi đứng trước tiền bạc: không ham hố; bằng lòng với hoàn cảnh của mình; biết sử dụng của cải để mua Nước Trời; biết sẻ chia cho người không có; không dính bén tiền bạc;  không tôn thờ nó như là chúa của mình.

Mời Bạn:Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.” Bạn đừng để lời cầu nguyện trên đi ngược với thực tế, tức là miệng thì cầu xin như vậy, mà lòng lại quá bận tâm với việc tìm kiếm cơm-áo-gạo-tiền. Hãy tin rằng Chúa là Cha nhân lành sẽ quan phòng chăm nom mọi sự vật chất cần thiết cho ta.

Chia sẻ: Xã hội Việt nam còn quá nhiều người thiếu cơm ăn, áo mặc. Người Kitô hữu có nghĩa vụ chia sẻ của cải vật chất cho anh em. Hãy sống theo gương các tín hữu thuở ban đầu: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,44-45).

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi vui vẻ và mau mắn chia sẻ vật chất hay tiền bạc cho người anh em túng nghèo, vì xác tín rằng đang làm điều ấy cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng cơn cám dỗ về bánh ăn trong sa mạc. Xin giúp chúng con thoát khỏi sự ham hố của cải trần gian, tin rằng Nước Trời mới là của cải vĩnh hằng, và Chúa thật là gia nghiệp vĩnh cửu của con.

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Không thể che dấu



Lời Chúa: Thứ Sáu tuần XXVIII thường niên năm B

“Không có gì che giấu mà không bị lộ ra.” (Lc 12,2)

Suy niệm: Khi nhắc đến Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhiều người sẽ nhớ câu nói của ngài: “Đừng sợ!” Ngài đã lặp lại lời của Chúa Giêsu để củng cố đức tin, nung nấu niềm hy vọng cho các Kitô hữu. Thế nhưng, bản tính yếu nhược của chúng ta là vẫn cứ sợ. Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ này. Ngài nói với chúng ta: “Đừng sợ” sống theo Lời Chúa thì đi ngược dòng đời, đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác! “Đừng sợ” vì Thiên Chúa, Đấng có toàn quyền trên xác hồn của ta, lại là Cha nhân hậu, yêu thương săn sóc quan phòng. Nhỏ bé, không có giá trị gì như chim sẻ còn được Chúa chăm sóc, huống chi con người. Ngay cả bao nhiêu sợi tóc của con người cũng được Ngài đếm cả rồi! 

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Sứ giả Tin Mừng



Lời Chúa: Thứ Năm tuần XXVIII thường niên năm B

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít! Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10,2)

Suy niệm: Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo như những thợ gặt trên cánh đồng lúa. Lúa đã chín vàng, mùa gặt đã đến, nhưng lại thiếu thợ gặt! Những người thợ này phải xin thêm thợ gặt mới bằng lời cầu nguyện. Thợ gặt của cánh đồng truyền giáo phải đối diện với hiểm nguy “như chiên giữa bầy sói;” phải thanh thoát với mọi liên hệ và của cải thế tục “bao bị, túi tiền, giày dép…” phải phó thác, tùy thuộc vào lòng hiếu khách của những người đón nhận mình. Hành trang và sứ mạng chính yếu là trao ban bình an của Thiên Chúa, năng quyền chữa lành bệnh tật, và loan báo triều đại Nước Trời.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Sống công bằng yêu thương



Lời Chúa: Thứ tuần XXVIII thường niên năm B

“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)

Suy niệm: “Không ít bạn trẻ vì muốn ‘long lanh’ hơn dưới mát bạn bè đã khoác lên mình nhiều loại ‘nước sơn’ vật chất dễ dàng ‘bong tróc’,” Thái Bình nhận định trên báo Tuổi Trẻ ngày 2/9 vừa qua. Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người ngày nay cũng sính mua sắm hàng hiệu, xe đời mới, điện thoại di động đắt tiền, v.v… để khẳng định mình là đẳng cấp khác biệt, là sành điệu. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, nhiều người cũng có xu hướng chuộng hình thức, làm đầy đủ các nghi lễ bề ngoài rình rang cho mọi người thấy: đi nhà thờ đều đặn, thường xuyên đọc Kinh Thánh, lần hạt, làm việc bác ái... nhưng bên trong tâm hồn họ có thể là tối tăm như địa ngục, có thể là thiếu hẳn tình yêu thương và đức công bình, bởi lẽ tâm hồn họ chất chứa tính kiêu ngạo, khinh người, đối xử bất công với đồng loại... Chúa đã lên án lối sống vụ hình thức đó, và đề cao một lối sống công bình và yêu thương phục vụ.

Hình Đức Mẹ trong tháng Mân Côi


Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Chúa nhật XXVIII: Khôn ngoan



ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Câu chuyện chàng thanh niên giàu có tốt lành có một khởi đầu tốt đẹp. Đẹp cho đến nỗi Chúa nhìn và đem lòng yêu thương anh. Nhưng lại có một kết thúc đáng buồn. Anh thanh niên bỏ đi buồn bã vì không thể theo Chúa. Chúa Giêsu cũng buồn vì anh gắn bó với tiền bạc hơn yêu mến Chúa.

Câu chuyện người thanh niên có thể là câu chuyện của mỗi người. Cũng như chàng thanh niên, bình thường ta giữ đạo rất dễ dàng. Sáng đi lễ, chiều đọc kinh, không làm điều gì gian ác, không bất công tham lam của người khác. Nhưng khi gặp mâu thuẫn giữa cuộc sống với việc đạo, phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những giá trị trần gian, nhiều khi ta nao núng và rất nhiều người đã vì những giá trị trần gian mà bỏ Chúa. Có những người khi còn nghèo túng thì giữ đạo rất tốt. Nhưng khi đứng trước những cám dỗ của tiền của thì vì ham mê tiền của mà sống gian dối, đánh mất lương tâm Công giáo. Có những người khi còn nhỏ thì rất ngoan ngoãn đạo đức, nhưng khi đến tuổi trưởng thành thì vì thú vui mà bỏ quên việc đạo. Nhưng nhất là có những người vốn con nhà đạo gốc rất sốt sắng, nhưng khi gặp cám dỗ về chức quyền thì vì một chút danh vọng, đành bỏ Chúa, bỏ đạo.

Tin vì được yêu mến




Lời Chúa: Thứ hai thường niên năm B

“Ông Giona đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)

Suy niệm: Con người ngày nay có thể lên tận cung trăng và xa hơn nữa, và tuyên bố rằng không thấy Thiên Chúa đâu cả! Giống như những người Pha-ri-sêu đòi dấu lạ để tin, dù đã thấy bao phép lạ Chúa làm, thế mà rốt cuộc, họ có tin đâu! Họ lại còn đòi Chúa làm dấu lạ theo ý thích của họ.

Đừng thiện chí nữa vời




Lời Chúa: Chúa nhật tuần XXVIII thường niên năm B

“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,21-22)

Suy niệm: Chúa Giêsu thực sự hài lòng, Ngài “đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến” người thanh niên vừa giàu của cải, đạo đức lại giàu thiện chí này: tuy anh đã chu toàn đầy đủ cả một chuỗi dài các luật lệ nhưng anh cũng cảm nhận mình mới đi được nửa đường trên con đường hoàn thiện. Anh còn muốn tiến xa hơn, đó là “được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” Thế nhưng thiện chí của anh mới chỉ được nửa vời: Khi nghe Chúa nói về bước tiến quyết liệt để đạt được điều đó thì anh đã “sa sầm nét mặt” và rút lui. Mà lý do chỉ là “vì anh ta có nhiều của cải”!