Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

THÁNH GIUSE VỊ GIA TRƯỞNG ÍT LỜI (Riêng tặng các gia trưởng)

Nếu Thánh Bênađô có một câu nói bất hủ về lòng trung tín và xót thương của Đức Trinh Nữ Maria: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến với Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.” Thì Thánh Têrêsa d’Avilla cũng có một câu tương tự về Thánh Giuse: “Tôi chưa bao giờ xin điều gì với Thánh Giuse mà không được như ý.”

Nếu Thánh Bênađô có một câu nói diễn tả về quyền năng bầu cử của Đức Mẹ: “Nếu ai đã cầu xin với Đức Mẹ mà Đức Mẹ chẳng nhận lời, xin hãy cho tôi biết, để tôi nói cho mọi người đừng cầu xin với Người nữa.” Thì Thánh Têrêsa d’Avilla cũng có một câu còn mạnh mẽ hơn nữa về Thánh Giuse: “Trên trời, thánh Giuse không cầu xin, nhưng truyền lệnh.”

Ảnh hưởng của Thánh Giuse trước mặt Thiên Chúa, do đó, nói được là còn mạnh mẽ hơn của Đức Mẹ nếu nhìn theo một tầm nhìn có tính nhân loại. Bởi vì Thánh Giuse không những là dưỡng phụ của Chúa Giêsu, mà còn là chồng đồng trinh của Đức Trinh Nữ Maria nữa. Một mình Đức Mẹ đã làm cho tất cả những ai đến với Mẹ được bằng an, và tin tưởng, thì thêm vào đó, lòng hiếu thảo của Chúa Giêsu dành cho dưỡng phụ của Ngài càng trở nên mạnh thế hơn nữa. Và vì vậy, không có gì khó hiểu đối với câu nói của Thánh Têrêsa: “Trên trời, thánh Giuse không cầu xin, nhưng truyền lệnh.”

Hiển nhiên Đức Maria sẽ kính trọng và muốn làm hài lòng bạn thánh của mình. Và cũng hiển nhiên, Chúa Giêsu muốn làm vui lòng Nghĩa Phụ của mình. Chính vì thế, lời cầu xin của Thánh Giuse có một chỗ đứng rất đặc biệt. Cựu Ước đã cho chúng ta một hình ảnh về sức mạnh và quyền năng này khi giới thiệu về Giuse, người con áp út của Gia-Cóp. Thánh Kinh cho biết, cả Pharaon cũng phải kính nể và trao toàn quyền cho Ông, tới nỗi bất cứ thần dân nào muốn kêu xin chuyện gì, thì nhà vua chỉ nói với họ một câu: “Ite ad Joseph” - Hãy đến cùng Giuse. (Sáng Thế Ký 41:55)

Nhưng có một điều xem như khó hiểu, đó là sự im lặng, âm thầm của Thánh Giuse. Một sự im lặng đến ít lời và câm nín. Đối với người nóng nảy. Những kẻ thiếu nhẫn nại, và không có niềm tin vững vàng sẽ cho sự im lặng này là một thái độ bạc nhược, là thiếu năng động. Nhưng một sự thật dường như khó hiểu khác nữa, đó là, cả ba Đấng trong nhà Nazareth đều rất thích sống âm thầm và cũng rất ít lời. Vì thế có thể nói, một sự im lặng thánh đã bao trùm mọi sinh hoạt mái ấm Nazareth. Trong đó, Thánh Giuse được kể là người ít lời nhất.

Thật vậy phải đọc và suy niệm kỹ lời do Thánh Linh đã linh ứng cho Mátthêu mới hiểu thế nào là giá trị sự im lặng của Giuse: “Maria mẹ Ngài đã đính hôn với Giuse. Nhưng trước khi ông bà về chung sống với nhau, bà đã mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng bà là người công chính không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mat 1:18-19).

Thánh Giuse là người công chính. Đây là chìa khóa mở cửa tâm hồn thánh thiện của Ngài, và cho phép ta có thể chiêm ngắm sự im lặng của Ngài, một sự yên lặng mang ý nghĩa công chính. Im lặng, ít lời nhưng không nhu nhược, trốn tránh trách nhiệm. Tiếng nói nội tâm của Ngài đã khiến Thiên Chúa phải lắng nghe và can thiệp. Lối sống và lối hành xử ấy, Thánh Giuse đã thực hiện trong suốt cuộc sống gia đình giữa Đức Maria và Chúa Giêsu. Không ỷ quyền làm chồng, không cậy thế làm cha, Ngài luôn trầm lặng để suy niệm, tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa, nhất là sống theo Thánh Ý ấy. Nói ít và làm nhiều. Ngài đã hướng dẫn Thánh Gia trên hành trình tốt nhất, và vượt qua những khúc quanh nguy hiểm nhất.

Sự im lặng của Thánh Giuse còn mang chiều kích tham dự trực tiếp vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Do chiêm niệm và sống lời Chúa, Ngài đã biết mình là ai và vì ý thức được vai trò của mình, nên không muốn ảnh hưởng đến công việc cứu chuộc của Chúa Cứu Thế. Ngài đã hơn cả Gioan Tẩy Giả khi chịu lép vế, chịu ẩn mình để cho Chúa Giêsu được mọi người biết đến. Đức Maria còn nói vài lời mà Thánh Kinh ghi nhận, còn Thánh Giuse thì tuyệt đối im lặng. Một sự im lặng phản ảnh đức tin và đức khiêm nhường. Một sự im lặng do lòng yêu mến Thiên Chúa thúc đẩy.

Ngoài ra, Thánh Giuse cũng đã tỏ cho thấy lối cư xử tế nhị của mình khi giới thiệu người bạn đời của mình. Không như những người chồng khác, Thánh Giuse đã rất tế nhị với Đức Maria, mặc dù trong những tình huống rất khó giải quyết. Thí dụ, dịp Mẹ mang thai Chúa Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần, và dịp trẩy hội Đền Thánh trong đó cả Ngài và Đức Maria đã phải vất vả tìm lại Chúa Giêsu. Trước những biến cố này, sự khiêm nhường, đức tin vững mạnh, và lòng yêu mến Thiên Chúa đã biến sự im lặng của Thánh Giuse thành niềm vui, hiệp nhất, và thanh bình cho cả gia đình.

Sống trong thời đại tin học và cơ giới hóa, con người phải chạy đua với tốc độ và thời gian. Bị khua động bởi trăm nghìn tiếng va chạm nội tâm cũng như bên ngoài. Về phần mình, nhiều người đã nói nhiều hơn làm, và thường là nói những lời rỗng tuếch, khoe khoang hoặc tiêu cực đem đến sự nghi kỵ, chia rẽ, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhau. Do đó, con người thời đại hôm nay, hơn bao giờ hết cần học nơi tấm gương im lặng của Thánh Giuse. Đặc biệt, đối với những người gia trưởng, những người làm chồng, và làm cha. Phải nói khi nào? Nói gì, và nói như thế nào để đem lại hạnh phúc, an vui, hài hòa trong gia đình. Để đem lại sự bình an cho chính bản thân, gia đình và xã hội chung quanh. Bài học này, nếu khiêm tốn, chúng ta có thể học được nơi Thánh Giuse, vị gia trưởng ít lời.

Lễ kính Thánh Giuse  - 19 tháng 3 năm 2011
Tác giả : Trần Mỹ Duyệt
Nguồn: dongcong.net

0 nhận xét: