Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

TÌM HIỂU VỀ TUẦN THÁNH VÀ PHỤC SINH

Trong dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã mừng kỷ niệm Chúa Giêsu Kytô giáng sinh. Chúa Giêsu giáng trần là để cùng sống, cùng chia sẽ thân phận con người như toàn thể nhân loại và rao giảng Tin Mừng Tình Thương của Thiên Chúa, rồi chịu nạn và chịu chết để cứu chuộc nhân loại; sau đó “phục-sinh” và lên trời, để mở đường cứu rỗi cho mọi người tin theo Ngài.

Để chuẩn bị Đại Lễ Giáng Sinh, có 4 tuần lễ gọi là “Mùa Vọng”; còn để chuẩn bị Đại Lễ Phục Sinh, có 40 ngày “Mùa Chay”. Mùa Chay Thánh kéo dài 40 ngày vì Chúa Giêsu đã “ăn chay” 40 ngày đêm trong sa-mạc để chuẩn bị công cuộc rao giảng của Ngài (thường được gọi là “cuộc đời công khai”), sau khi Ngài đã sống “âm thầm” khoảng 30 năm và sinh sống bằng nghề “thợ mộc” tại làng Nagiaret, miền Galilê (phía bắc nước Do Thái).
Cuối Mùa Chay là “Tuần Thánh” (Holy Week). Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong Phụng vụ của Giáo Hội. Tuần Thánh để người Kytô hữu tưởng niệm những biến cố đặc biệt trong những ngày cuối cùng của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại.

Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh và kỷ niệm việc Chúa Giêsu được những người dân tốt lành cùng các trẻ em đón rước long trọng tiến vào Thành Thánh Giêrusalem. Chúa Nhật Lễ Lá cũng còn gọi là Chúa Nhật Chịu Nạn. Trước Thánh Lễ có làm phép lá và long trọng rước lá vào Thánh Đường để cử hành Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, chủ tế sẽ đọc bài Thương Khó của Chúa Giêsu, thay vì bài Phúc Âm. Lá đã được làm phép, giáo dân có thể mang về nhà và để trên bàn thờ, để nhắc nhở mọi người trong gia đình về những ngày Thánh trong Tuần Thương Khó.

Ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy trong Tuần Thánh, được gọi là Tam Nhật Thánh (Easter Triduum). Đó là những ngày Thánh để kỷ niệm những biến cố trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại: Ngày Thứ Năm kỷ niệm bửa Tiệc Ly, ngày Thứ Sáu kỷ niệm Chúa Giêsu chịu khổ nạn, ngày Thứ Bảy kỷ niệm Chúa Giêsu chịu táng trong mộ đá. Sau đó là Chủ Nhật Phục Sinh

Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday) để kỷ niệm việc Chúa Giêsu ăn bửa tối cuối cùng (The Last Supper) với 12 môn đệ trước khi Chúa Giêsu chia tay các môn đệ để ra đi nộp mình chịu khổ hình. Bửa ăn nầy cũng được gọi là bửa ăn “Tình Thương” (“Agapé” tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “Tình Thương”), vì trong bửa ăn nầy, Chúa Giêsu đã lập hai Bí Tích (Sacrament) đặc biệt nói lên tình thương của Chúa đối với nhân loại: “Bí Tích Thánh Thể” để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu bằng chính Mình và Máu Thánh Người. “Bí Tích Truyền Chức Thánh” để thiết lập chức “Linh Mục Thừa Tác”; qua Bí Tích này, Thiên Chúa tuyển chọn một số người để làm Linh Mục thừa tác, tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể và duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa qua mọi thời gian và ở mọi nơi. Sở dĩ gọi là Linh Mục “thừa tác” vì chỉ có Chúa Giêsu là “Linh Mục Thượng Tế” trọn hảo, còn các linh mục thì được tham dự đặc biệt vào chức Linh Mục của Chúa (xin xem Thơ Thánh Phalô gửi người Do Thái, chương 7, 8 và 9). Các tín hữu cũng được tham dự cách thiêng liêng vào chức Linh Mục của Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Tẩy họ đã lãnh nhận khi gia nhập Dân Thánh Chúa. (Xin xem thơ Thứ Nhất của Thánh Phêrô, đoạn 2, câu 9). Vì thế khi ngưòi công giáo đi lễ, không phải là chỉ “xem lễ” hay “dự lễ”, nhưng là “cùng nhau” và hợp với vị Chủ Tế dâng hiến lễ vật lên Thiên Chúa và tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại. Lễ vật dâng tiến chính là của lễ trọn hảo, là “Mình và Máu Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Bánh Miến và Rượu Nho tinh tuyền”. Cùng với lễ vật trọn hảo đó, các tín hữu dâng lên Chúa chính con người của mình (linh hồn và thân xác), và những hy sinh lao nhọc của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.

Cũng trong “bửa ăn tình thương” tối Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu cúi mình xuống rửa chân cho các tông đồ, để dạy cho các Ngài bài học yêu thương phục vụ trong khiêm tốn. Điều này làm cho tông đồ Phêrô sửng sốt và phản đối: “Sao Thầy mà lại phải cúi xuống rửa chân cho chúng con...”. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Việc Thầy làm cứ để Thầy làm”. Sau khi rửa chân cho 12 ông xong, Chúa Giêsu mới nói: “Thầy đã cúi xuống rửa chân cho chúng con là để dạy chúng con bài học yêu thương phục vụ: Như Thầy đã rửa chân cho chúng con, chúng con cũng hãy rửa chân cho nhau …” (xin xem Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn 13, câu 12...).

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, vào buổi sáng, tại Nhà Thờ Chánh Tòa của mỗi giáo phận (Diocese), Đức Giám Mục và các Linh Mục trong toàn giáo phận họp mặt để cùng dâng Thánh Lễ thường gọi là “Thánh Lễ Làm Phép Dầu Thánh”. Trong Thánh Lễ long trọng nầy (thường có rất đông giáo dân tham dự và kéo dài chừng 2 giờ), Đức Giám Mục sẽ làm phép ba thứ Dầu Thánh (thường là dầu “olive”) để dùng trong các lễ Truyền Chức Thánh, trong khi ban Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích Rữa Tội, và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Cũng trong Thánh Lễ long trọng nầy, Đức Giám Mục và các Linh Mục cùng nhau long trọng nhắc lại lời tuyên hứa khi chịu chức Thánh; tuyên hứa trước Cộng Đồng Dân Chúa đang có mặt trong Thánh Lễ. Sự hiện diện của các Linh Mục trong Giáo phận trong Thánh Lễ này là để nói lên sự hiệp nhất của toàn thể linh mục đoàn chung quanh vị Chủ Chăn của Giáo phận là Đức Giám Mục (hoặc Tổng Giám Mục). Vì thế, ở các giáo phận (hay tổng giáo phận) rộng lớn qúa mà các linh mục sau Thánh Lễ Làm Phép Dầu Thánh tại Nhà Thờ Chánh Tòa không thể về kịp để dâng lễ buổi chiều tại các giáo xứ, thì Thánh Lễ làm phép Dầu Thánh có thể chuyển vào Thứ Năm tuần trước đó, và thường cử hành vào buổi chiều để giáo dân có thể tham dự thánh lễ đông đảo hơn.

Vào buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, thường chỉ cử hành một Thánh Lễ tại Nhà Thờ chính của Giáo xứ, để Cha Chánh Xứ (Pastor) và các Cha Phụ Tá cùng đồng tế với sự hiện diện của giáo dân toàn giáo xứ và cử hành một Thánh Lễ đặc biệt để kỷ niệm Bửa Tiệc Ly như đã nói ở trên. Thánh lễ nầy thường cử hành vào buổi chiều tối (Bửa Tiệc Ly cũng vào buổi tối) để giáo dân có thể đến đông đủ hơn. Trong Thánh Lễ, sau bài Phúc Âm và Bài Giảng, vị Chủ tế cũng cử hành nghi thức “rửa chân” cho một số vị đại diện của cộng đồng Dân Chúa trong giáo xứ. Trong lúc cử hành nghi thức “rửa chân”, Ca đoàn thường hát các bài thánh ca về tình yêu thương, đặc biệt bài “Đâu Có Tình Yêu Thương” (dịch từ bản thánh ca La tinh “Ubi Caritas est, Deus est”, “Where there is love, there is God”). Bản Thánh Ca này đã được dịch ra và phổ nhạc rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Mấy câu đầu trong bản Thánh Ca này bằng tiếng Việt Nam như sau:

“Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời!

Đâu có lòng từ bi, là ở đấy có ân sủng người!

Đâu có tình bác ái, là Chúa chúc lành không ngơi!

Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui!”

Sau Thánh Lễ, có lễ nghi long trọng rước Mình Thánh Chúa vào một nơi trang trọng để toàn thể Dân Chúa (theo từng họ đạo hoặc đoàn thể) đến tôn kính và cầu nguyện cho đến nửa đêm.

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (đặc biệt trong tiếng Anh, không gọi là “Holy Friday”, nhưng gọi là “Good Friday”) là ngày rất tốt lành cho toàn thể nhân loại, vì Chúa Giêsu đã chịu nạn và chịu chết trong ngày này để đền tội cho nhân loại và mở đường cứu rỗi cho mọi người; vì thế có lệ kiêng thịt ngày thứ sáu, nhất là trong Mùa Chay Thánh. Giờ Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá là vào khoảng 3 giờ chiều (theo giờ của người Do Thái hồi đó là “giờ thứ chín”) (xin xem Phúc Âm theo Thánh Luca, đoạn 23, từ câu 44...). Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không có Thánh Lễ, nhưng có cuộc Suy Ngắm “Đàng Thánh Giá” long trọng và tiếp theo là cuộc cử hành “Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó” của Chúa Giêsu, thường vào khoảng 3 giờ chiều; tuy nhiên có thể cử hành muộn hơn để giáo dân có thể đến tham dự đông đủ, nhưng phải trước 9 giờ tối. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có luật buộc ăn chay và kiêng thịt để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã chịu chết trên cây Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại; vì thế Thánh Giá luôn hiện diện nơi các Thánh đường, các nơi thờ phượng, trên bàn thờ trong các gia đình giáo dân và đặc biệt trên các phần mộ của các kytô hữu đã qua đời.

Trong Đế quốc Rôma thời xưa, hình phạt chịu treo trên “thập tự giá” thường chỉ dành cho những người nô lệ. Các người bị xử án phải vác hai cây gỗ đến một ngọn núi ngoài thành phố, rồi bị đóng đanh vào hai cây gỗ đã được đóng chặt thành hình “chữ thập” (như chúng ta vẫn nhìn thấy nơi “thánh giá” của Chúa). Người ta dùng đinh đóng hai cổ tay vào hai đầu xà ngang. Còn hai chân bị đóng vào phía cuối “thập tự giá” và thường dưới hai bàn chân của “tội nhân” còn có một cái bệ nhỏ giữ hai bàn chân; mục đích là để khi đã dựng cây gỗ lên rồi, xác “tội nhân” không bị kéo trì xuống, “tội nhân” vẫn còn có thể thở được, và như vậy vẫn “phải” kéo dài sự sống trong đau đớn cho đến khi kiệt sức và chết đi. Trường hợp Chúa Giêsu thì Ngài chết nhanh hơn, vì đã bị bắt từ tối Thứ Năm, rồi bị hành hạ, đánh đập suốt đêm. Qua ngày Thứ Sáu, sau khi được lệnh của Philatô, họ mới bắt vác thánh giá ra ngoài thành Giêrusalem, đến đồi Gôn-gô-ta rồi mới đóng đinh. Lúc đó Chúa Giêsu đã hầu như đã hoàn toàn kiệt sức. Đồi Gôn-gô-ta hình như một “chiếc sọ” được gọi là “Gôn-gô-ta” “Núi Sọ” (Gôn-gô-ta theo tiếng người Do Thái thời đó có nghĩa “Núi Sọ”). Đồi nầy nằm ở phía tây bắc Thành Giêrusalem và không xa bức tường thành bao nhiêu. (Khi đi viếng Đất Thánh, quê hương của Chúa, du khách sẽ được dẫn đến đó để kính viếng).

Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết vào chiều Thứ Sáu, áp ngày Thứ Bảy là ngày nghỉ lễ của người Do Thái; hơn nữa lại trùng vào Đại Lễ ‘Vượt Qua’ (Passover)(PÂ Gioan 19:31...), nên theo tục lệ thời đó, các “tội nhân”, sau khi đã bị xử án treo trên thập tự giá, không được để qua đêm, đến chiều tối phải hạ xuống. Nhưng trước khi hạ xuống, phải dùng búa đánh giập ống chân của “tội nhân” để chắc chắn là đã chết thật. Nếu thật sự “tội nhân” chưa chết, thì sau khi hai ống chân đã gẫy, thân xác kéo thẳng xuống, “tội nhân” không còn thở được nữa, nên phải chết trong giây lát (như đã nói ở trên). Khi các người lính đến quan sát Chúa Giêsu, họ thấy Ngài đã chết thực sự, nên không đánh giập ống chân của Ngài, nhưng có một người lính đã dùng ngọn giáo đâm vào sườn trái của xác Chúa Giêsu. Ngọn giáo đâm thấu vào trái tim và lúc đó máu và nước từ trái tim Chúa Giêsu chảy ra. Tất cả những sự kiện này đã xãy ra y như lời trong Kinh Thánh Cựu Ước đã báo trước về cái chết của Đấng Cứu Thế như thế nào. (Xin xem Phúc Âm theo Thánh Gioan đoạn 19, từ câu 31...)

Vào chiều tối ngày Thứ Sáu đó, có một ông tên là Giuse người ở xứ Arimathê (ông là một thành viên có thế giá trong Hội Đồng Do Thái và vẫn âm thầm tin theo Chúa Giêsu) đã đến xin Philatô cho tháo xác Chúa xuống. Sau đó ông cùng với ông Nicôdêmô (cũng là một thủ lãnh nhóm Pharisiêu, nhưng vẫn âm thầm tin theo Chúa Giêsu, xin xem Phúc Âm Goan, đoạn 3, câu 1 ...) táng xác Chúa theo tục lệ người Do Thái thời đó: tẩm liệm xác Chúa bằng thuốc thơm, quấn khăn liệm và đặt trong mộ đá. Mộ đá còn mới, của ông Giuse Arimathê và nằm trong thửa vườn của gia đình ông. Vườn nầy lại gần nơi Chúa Giêsu chịu đóng đanh (xin xem Phúc Âm Gioan đoạn 19, từ câu 38...). Trong lúc hai ông táng xác Chúa, thì có Bà Maria Madalêna và Maria mẹ ông Gio-xê chứng kiến (Phúc Âm Maccô đoạn 15, câu 47). Chắc là có một số người khác nữa cùng tham dự cuộc táng xác; nhất là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu; nhưng không thấy Phúc Âm nói đến. Còn Thánh Giuse có thể Chúa đã cất Ngài về trước rồi.
 
Chúng ta cũng nên nhớ: Thời đó người ta không đặt xác chết trong quan tài như chúng ta ngày nay, nhưng chỉ tẩm xác bằng thuốc thơm, rồi quấn trong khăn liệm, sau đó đặt vào mộ đã đục sẵn trong một núi đá hay đồi đá lớn, sau đó lấy một tảng đá lập cửa mộ; rồi những ngày tiếp theo, các người thân trong gia đình thường đến vào lúc sáng sớm, lật tảng đá lấp cửa mộ, rồi tiếp tục xức thuốc thơm cho xác người chết, thường là trong 3 ngày liền hoặc cả tuần lễ. Thuốc thơm này thường là mộc dược (myrrh) trộn với trầm hương (aloes) vừa ướp hương thơm cho xác chết, vừa giữ cho xác chết được lâu không thối rửa. Khi khai quật mộ các vua chúa Ai Cập thời xưa, người ta thấy rõ điều nầy.

Còn một điều nữa cũng cần nói đến là các lãnh tụ Do Thái đã xin Philatô cho lính gác mộ Chúa, vì sợ rằng các môn đệ của Chúa Giêsu đến lấy trộm xác Chúa đưa đi nơi khác, rồi phao tin là Chúa đã sống lại. Philatô đã bảo họ: “Các ông có lính của các ông, các ông hãy sai lính của các ông đến mà canh gác”. Thế là họ cho lính đến niêm phong mộ và canh gác (Phúc Âm Matthêu đoạn 27, câu 62 ...). Tuy nhiên Chúa Giêsu đã thực sự sống lại vào “ngày Thứ Nhất trong tuần” và đã hiện ra lần đầu tiên với bà Maria Madalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salômê ngay nơi táng xác Chúa khi các bà đến viếng mộ Chúa vào sáng sớm (Phúc Âm Matcô đoạn 16, câu 1 ...), sau đó với hai tông đồ Phêrô và Gioan, và nhiều lần sau nữa với các Tông đồ và nhiều người khác trong vòng 40 ngày từ khi Chúa Giêsu sống lại (Mátcô 16, 9; Gioan 20,11); đặc biệt là: lần hiện ra với “Hai Môn Đệ trên đường trở về làng Emmaus” ngay buổi chiều “ngày thứ nhất trong Tuần” (xin xem Phúc Âm Mátcô 16, 12; Luca 24,13); lần hiện ra với các Tông đồ “tám ngày sau đó tại nhà nơi các môn đệ ở” để cũng cố đức tin cho Tông đồ Tôma (xin xem Phúc Âm Gioan 20, 26); lần hiện ra với các Tông đồ tại bờ “Biển Hồ Tibêria” sau một đêm các Ngài đánh cá thất bại, giúp các Ngài đánh được một “mẻ lưới đầy cá lớn một cách lạ lung”, phỏng vấn lòng tin yêu của Thánh Phêrô nơi Chúa và trao quyền lãnh đạo các Tông đồ cho Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo hội. Lần cuối cùng là lần Chúa hiện ra tại Bêtania, với các Tông đồ để “mở trí” cho các Ngài hiểu ra những điều đã ghi chép trong Kinh Thánh (CựuƯớc), củng cố thêm đức tin cho các Ngài, ban mệnh lệnh truyền giáo, hứa sẽ luôn ở với các Ngài cho đến tận thế, rồi dơ tay ban phép lành cho các Ngài trong khi “Chúa được cất về Trời” (xin xem Phúc Âm Luca 24, 44 . . .; Mátcô 16, 14 . . .; Matthêu 28, 16 . . .; Sách Tông Đồ Công Vụ 1, 4 . . .).

Từ ngày đó, các Kytô hữu đã mừng lễ vào ngày đầu tuần (ngày Chúa sống lại) chứ không vào ngày “Sabath” “Thứ Bảy” như người Do Thái. Như vậy, các Kytô hữu mừng việc Chúa Giêsu sống lại vào ngày đầu tuần và gọi là ngày “Chúa Nhật”. Tuy nhiên dịp Đại Lễ Phục Sinh hàng năm là dịp mừng việc Chúa sống lại một cách đặc biệt sau một Mùa Chay dài và sau Tuần Thương Khó; như vậy là để nhắc nhở tín hữu của Chúa nhớ rằng đời người chóng qua, như “hoa sớm nở, tối tàn”. Nhưng chết không phải là hết. Chết chỉ là một sự biến đổi, một sự “qua đời” (từ cuộc đời chóng qua đến cuộc sống vĩnh hằng); như cha ông chúng ta đã nói “sinh ký, tử quy”. Nhưng muốn được vào cuộc sống vĩnh hằng, các tín hữu phải nhìn nhận con người yếu hèn của mình luôn bị cám dỗ và sa ngã (human weaknesses). Vì thế họ cần cầu nguyện luôn để xin ơn Chúa giúp đở, cố gắng vươn lên. Hơn nữa, sống không phải là sống một mình mà là “sống với” mọi người chung quanh. Sống nâng đỡ lẫn nhau (“chị ngã em nâng”) cả tinh thần và vật chất. Về tinh thần, cùng giúp nhau phấn đấu vươn lên và canh tân cuộc sống (renewal). Về vật chất, cùng giúp đỡ nhau, nhất là giúp đỡ những người nghèo khó, thiếu thốn. Đó chính là ba chủ đề lớn của Mùa Chay Thánh hằng năm: Cầu nguyện, Hy sinh hãm mình và làm việc từ thiện (tiết kiệm để dành tiền bạc giúp đở anh chị em thiếu thốn). Khi giúp đở nhau, nhất là giúp người nghèo khó, là chúng ta giúp đở chính Chúa. Ngày chúng ta “qua đời”, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta và nói: “Hãy vào lãnh phần thưởng cuộc sống vĩnh hằng; vì xưaTa đói, các con đã cho Ta ăn; Ta khát, các con đã cho Ta uống...” (xin xem Phúc Âm Matthêu đoạn 25, từ câu 31...).

Năm nay chúng ta mừng lễ Phục Sinh vào những ngày mà thế giới vẫn lo âu trong cảnh chiến tranh vẫn còn tiếp diễn tại Afaghanistan, tại Iraq và ngay tại Đất Thánh (Holy Land) quê hương của Chúa. Hơn nữa, nạn ‘khủng bố’ (Terrorism) vẫn là một mối lo âu lớn cho toàn thế giới, nhất là sau cuộc khủng bố ghê gớm tại Tây Ban Nha (Spain) vào ngày 11/3/2004 vừa qua, với hơn 200 người chết và gần 2000 người bị thương tật. Thế giới vẫn đầy những thù hận, nhân quyền và tự do tôn giáo vẫn bị xâm phạm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Phục Sinh cho nhân loại biết yêu thương nhau hơn; Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo được tôn trọng; và Hòa Bình đến với mọi tâm hồn, mọi gia đình và nơi nơi trên thế giới.

Đặc biệt năm nay, khi toàn thể tín hữu khắp thế giới Khai Mạc Mùa Chay Thánh với ngày Thứ Tư Lễ Tro (25/2/2004), thì tại đất nước Hoa Kỳ cũng khai mạc cuốn phim ‘Sự Thương Khó của Chúa Kytô’ (The Passion of the Christ) của nhà Đạo diễn Mel-Gibson. Có rất nhiều người đã đi coi phim này. Hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng đang chiếu phim này. Người ta cũng rất hâm mộ rủ nhau đi coi rất đông. Cuốn phim đã đánh động lòng mọi người chúng ta để chúng ta nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đã chịu đau khổ tột độ và chết rất thê thảm trên Thánh giá vì tội lỗi mỗi người chúng ta và toàn thể nhân loại. Cụ thể như ông Dan Leach ở Texas, sau khi xem phim xong đã thật lòng ăn năn tội ác mà ông đã che dấu nhiều năm là đã giết ‘người yêu của mình’ và chính ông đã đến thú nhận với cảnh sát vào ngày 23/3/2004 để xin chịu án để đền tội.

Trong tuần Thánh này chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa nhân từ đánh động tâm hồn chúng ta để mỗi người nhìn nhận tội mình như người ‘Trộm lành’ cũng bị đóng đanh với Chúa, hay như ông Dan Leach, để chúng ta khiêm tốn thú nhận tội lỗi, xin ơn Chúa thứ tha và ‘ăn năn trở về’ để ‘sống lại’ với Chúa và rao giảng Tin Mừng Tình Thương cứu độ cho mọi người

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban phúc lành cho mọi người chúng ta.

Lm. Anphong Trần Đức Phương

CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

NƯỚC THIÊN CHÚA Ở GIỮA TA

Lời Chúa: Thứ năm Tuần III mùa chay, năm A

“Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Mt 11,20)

Suy niệm: Bảo vệ hay vệ sĩ là nghề mới phát triển trong những năm gần đây. Để là bảo vệ hay vệ sĩ, người ta phải có ngoại hình khỏe mạnh. Thế nhưng, nhiều lúc họ phải chịu thúc thủ trước những người mạnh hơn, võ trang đầy đủ hơn. Đức Giêsu đã dùng một hình ảnh tương tự để nói lên sự chiến thắng trổi vượt của Ngài trước Xatan. Ngài là người “mạnh hơn” nên thắng được Xatan và tước đi vũ khí của hắn, đem lại ơn giải phóng toàn diện cho con người. Như vậy, Nước Thiên Chúa ngự trị ở giữa chúng ta khi ta được giải phóng ra khỏi “cái tôi” chật hẹp ích kỷ của lòng mình, khi ta an bình sống theo tinh thần Tám Mối Phúc thật, khi tâm trí ta cùng âu lo và hy vọng với nỗi đau và niềm vui của người lân cận…
Mời Bạn: Bạn hài lòng khi thấy nhà thờ đông đúc, các nghi lễ đông người, giờ đọc kinh đông đảo. Tuy nhiên, điều đó chưa bảo đảm cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ở giữa bạn. Cộng đoàn của bạn còn cần phải tiêu diệt mọi hình thức sự dữ và đau khổ nơi con người, trong môi trường sống của bạn. Đó mới là sự bảo đảm chắc chắn.
Chia sẻ: Nước Xatan hay Nước Thiên Chúa ngự trị trong xã hội của bạn? Làm gì để Nước Thiên Chúa hiển trị?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi sẽ cộng tác với Chúa, đẩy lùi nước Xatan ra khỏi tâm hồn, gia đình mình qua việc bỏ đi một thói hư tật xấu .
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã giải phóng và đưa chúng con vào Vương Quốc của Chúa. Xin cho chúng con cộng tác với Chúa trong việc đẩy lùi mọi bóng tối, sự dữ ra khỏi tâm hồn và gia đình chúng con.


Nhóm Biên Soạn 5 phút suy niệm Lời Chúa

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Lễ phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II

Theo ban tổ chức Giáo phận Roma, sẽ có khoảng 300 ngàn tín hữu tham dự lễ phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 1-5 tới đây.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 29-3-2011, Cha Cesare Atuire, Giám đốc điều hành tổ chức hành hương (ORP) Giáo phận Roma, cho biết con số 300 ngàn người nói trên có thể thay đổi và ban tổ chức ở trong tư thế sẵn sàng đáp ứng sự thay đổi đó.

Tổ chức Hành hương Giáo phận Roma, trực thuộc Đức Hồng Y Giám quản Roma, là ban tổ chức chính thức, cộng tác với chính quyền miền Lazio, tỉnh và thành phố Roma, để phối hợp việc tiếp đón các tín hữu về dự lễ phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II. Cha Atuire nói: "Con số 300 ngàn người về dự lễ không ở dưới mức độ chúng tôi đã dự trù".

Trả lời câu hỏi: vậy tại sao ban đầu người ta nói có 2 triệu người về dự lễ phong Chân phước như hồi Đức Gioan Phaolô II qua đời? Cha Atuire đáp: Con số nói trên được đưa ra dựa theo số người đến Roma từ khi Đức Giáo Hoàng qua đời cho đến lễ an táng. Thời gian ấy kéo dài 2 tuần lễ. Nếu người ta tổng cộng số tín hữu sẽ tham dự buổi canh thức cầu nguyện tối ngày 30-4 tới đây tại khu vực Circo Massimo, rồi số người dự lễ phong chân phước, sau đó là lễ tạ ơn, thì số người sẽ tăng lên nhiều.

Tổ chức hành hương Roma và ban tổ chức không xin chính quyền thành Roma tài trợ ngân khoản nào cho việc tổ chức lễ phong chân phước, xét vì hình hình tài chính khó khăn ở địa phương. Tổ chức hành hương Roma kiếm các ân nhân, các ngân hàng hoặc các quỹ tài trợ cho biến cố này. Nếu mỗi tín hữu hành hương đóng góp 3, hoặc 4 Euro thì số tiền có thể thu được 1 triệu 200 ngàn Euro. Phần còn lại của chi phí sẽ được dùng để tái thiết nhà trọ và quán ăn cho người nghèo do Caritas đảm trách cạnh Nhà ga trung ương Termini của thành Roma. Cơ sở tân trang này sẽ được mang tên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong cuộc họp báo, Ban tổ chức cũng cho biết vì Quảng trưởng Thánh Phêrô không thể chứa hết các tín hữu tham dự lễ phong Chân phước, nên sẽ có những màn ảnh khổng lồ được bố trí tại khu vực Lâu Đài Thiên Thần, Circo Massimo và Quảng trường Risorgimento.

Sau cùng Ban tổ chức phát hành thẻ di chuyển gọi là "Gioan Phaolô II Pass", giá 18 Euro, người sử dụng có thể di chuyển trong vòng 3 ngày trên các phương tiện chuyên chở công cộng như xe bus, xe tram, Metro cũng như xe hỏa nối liền Roma với Ostia, xe bus Roma Cristiana dành cho du khách. Ngoài ra họ nhận được một túi đồ ăn pic-nic trưa ngày lễ phong Chân phước và nhiều tài liệu thông tin khác. Thẻ "Gioan Phaolô II Pass" không phải là vé để dự lễ phong chân phước, vì việc tham dự lễ này hoàn toàn miễn phí và mở rộng cho mọi người (Tổng hợp 29-3-2011)

G. Trần Đức Anh OP
Radiovaticana.org

CÙNG ĐÍCH CỦA LỀ LUẬT


Lời Chúa: Thứ tư Tuần III, mùa chay năm A

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy niệm: Dù sống ở đâu, con người cũng phải tuân thủ một số lề luật thành văn và bất thành văn. Nếu sống vô kỷ luật trong chốc lát, ta có thể gây ra lắm điều phiền phức hoặc để lại những hậu quả nghiêm trọng. Rõ ràng luật lệ thì cần thiết! Tuy nhiên, người ta không lập luật hay giữ luật vì luật, nhưng vì lợi ích mà luật muốn nhắm đến. Đức Giê-su đến trần gian không nhằm hủy bỏ lề luật, nhưng kiện toàn nó. Lề luật Người muốn kiện toàn không chỉ để duy trì trật tự xã hội, nhưng để giúp con người sống cho trọn tình con thảo với Thiên Chúa. Người mời gọi con người giữ luật trong tình yêu và trong tự do của người con cái Thiên Chúa.
Mời Bạn: Hiểu và sống đúng tinh thần của lề luật: không giữ luật một cách máy móc, cứng nhắc, cũng chẳng du di một cách tùy tiện và nhất là không làm nhẹ đi “Luật của Tin Mừng” vì nghĩ rằng làm vậy, người ta sẽ dễ tin theo. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa là vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người (x. 1Ga 2,3), và chúng ta giữ các điều răn của Người là để chúng ta ở trong tình yêu của Người.
Chia sẻ: Bạn sẽ trả lời như thế nào trước câu hỏi: “Tại sao đạo Công giáo có quá nhiều luật lệ như vậy?”
Sống Lời Chúa: Hãy khắc cốt ghi tâm lời của Thánh Gioan: “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 3,24).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết yêu luật Chúa truyền và tuân giữ điều Chúa muốn, để yêu thương anh chị em như Chúa đã yêu thương con.
Nhóm Biên Soạn 5 phút suy niệm Lời Chúa

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

14 ĐÀNG THÁNH GIÁ

 Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng
Kính thưa cộng đoàn,

Trong tâm tình sám hối của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, giờ đây chúng ta cùng bước theo Chúa Kitô trên đường thập giá Ngài đã đi năm xưa, để thấu hiểu và cảm nghiệm tình thương vô tận Thiên Chúa dành cho chúng ta. Qua đó, chúng ta được mời vác thập giá mình để cảm thông chia sẻ với Chúa qua anh chị em chung quanh, những người vẫn đang chịu biết bao khổ đau trong cuộc sống bởi cô đơn, thất vọng vì bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh và hận thù.
Xin Chúa giúp chúng ta biết khám phá ra giá trị của thập giá và lời gọi mời của Chúa, để can đảm bước theo Ngài trong hành trình ơn gọi dấn thân và phục vụ.

Chặng thứ nhất - Chúa Giêsu chịu xét xử
Tình yêu vâng phục đã thôi thúc Đức Giêsu chấp nhận chén đắng Cha trao trong vườn cây dầu thế nào, thì tình yêu khiêm hạ đến tột cùng vì yêu thương loài người qúa bội cũng thúc bách Người chấp nhận huỷ mình ra không, liệt mình vào số các tội nhân để chịu con người xét xử như vậy. Đấng vô tội là thẩm phán chí công, cầm quyền sinh tử sao lại hoán đổi vị trí trao sinh mạng mình cho con người tội lỗi xét xử ? Chỉ có tình yêu khiêm cung thẳm sâu nơi Ngài mới lên tiếng trả lơi cho những nghịch lý trớ trêu nhưng cũng rất huyền nhiệm cao cả này. Người chịu xét xử để con người khỏi chịu án phạt muôn đời. Người trao vận mạng và sự sống của Người trong tay người đời để loài người được chuộc lại trong vòng tay Thiên Chúa. Người tự nguyện liên đới với tội nhân để con người được công chính hoá. Và Người đã sống khiêm hạ để con người được đổi mới thanh tẩy khỏi sự bất trung kiêu căng phản loạn xa xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin tình yêu khiêm hạ nơi Ngài cũng thôi thúc chúng con biết sống mầu nhiệm tự huỷ như Ngài. Như hạt lúa gieo vào lòng đất, xin cho chúng con biết mục nát đi để trổ sinh hoa trái nhiều hơn.

Chặng thứ hai - Chúa Giêsu vác Thập giá
Sau khi phiên tòa xét xử Chúa Giêsu kết thúc, Tin mừng thánh Gioan viết tiếp : “Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Do Thái gọi là Golgotha”.
Thập giá là sự ô nhục đối với người Do Thái, và là sự điên rồ đối với người ngoại giáo. Khổ hình thập giá không những đem đến cái chết đau thương, mà còn cả sự nhục nhã về tinh thần. Thế nhưng đối với thánh sử Gioan, thập giá không chỉ là khổ đau và nhục nhã, nhưng quan trọng hơn, đó là dấu chỉ đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Sự chấp nhận thập giá của Chúa Giêsu là một lựa chọn hoàn toàn tự do của một ngôi vị Thiên Chúa làm người. Ngài uy nghi tiến tới thập giá và khải hoàn bước lên thập giá để qua “cây thập giá”, nhân loại đón nhận “cây sự sống”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường thích chọn những điều tốt và có lợi cho mình. Nhưng khi lựa chọn như thế, vì vô tình hay hữu ý đôi lúc chúng con đã trao cho người khác biết bao đau khổ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ tạo gánh nặng cho những người sống chung quanh

Chặng thứ ba - Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Ngài đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, Ngài đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta mà chúng ta lại coi Ngài như một kẻ bị phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc khổ. Nhưng Ngài đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác của chúng ta. Ngài đã lãnh lấy hình phạt để cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích Ngài mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất lên mình tội ác của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu đã đôi lần chúng con đứng bên vệ đường dùng cặp mắt lạnh lùng của mình để nhìn Chúa vác Thập giá. Chúng con cũng lạnh lùng trước những đau khổ của người anh em, chị em. Và chúng con cũng lạnh lùng khi nhìn sức mạnh của đồng tiền đang dần dần đánh mất phẩm giá của con người, chiến tranh, cướp bóc, phá thai, ma tuý… chúng con coi đó là chuyện của người khác không phải của mình.
Xin cho chúng con biết lay động trước đau khổ của anh chị em, hiểu được giá trị của Thập giá không tách rời khỏi sự phục sinh của Chúa. Từ thất vọng, xin Chúa cho bừng dậy niềm hy vọng. Từ đêm tối, xin Chúa làm nảy sinh niềm tin tưởng. Từ nỗi yếu đuối, xin ban sức mạnh để chúng con vươn lên cho đời sống mới.

Chặng thứ bốn - Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu vác Thập giá
Tình yêu mãnh liệt hơn sự chết…ngàn suối không dập tắt nổi, vạn sông chẳng nhận chìm được. Tình yêu của mẹ đối với con vượt qua tất cả, kể cả đau thương Thập giá. Đây chính là giờ mà tiên tri Simêon đã tiên báo cho mẹ : “Một lưỡi gương sẽ đâm thấu lòng bà” (Lc 2,35). Mẹ đã vui nhận lưỡi gươm đó, Mẹ đến để hiện diện với Con, chia sẻ đau thương của Con. Sự có mặt của Mẹ là sức mạnh khích lệ, tiếp sức, đỡ nâng và sẻ chia với nỗi nhục nhằn của Con.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết lấy tình yêu đáp đền tình yêu. Trên bước đường theo Chúa, xin cho chúng con không lẩn tránh trước những khó khăn của anh em. Xin cho chúng con đừng lẩn trốn những khó khăn trong cuộc đời nhưng biết chấp nhận bằng tấm lòng mến Chúa và yêu anh em.
 
Chặng thứ năm - Ông Simon vác đỡ Thập giá Chúa
Phúc âm Máccô thuật lại : Hôm đó ông Simon từ ngoài đồng ruộng trở về, có lẽ vì tò mò hoặc vì nghe danh tiếng của Chúa Giêsu nên ông đã đến tận nơi để xem cho biết Chúa. Cũng vì Chúa Giêsu đã quá yếu nhọc, sức lực đã hầu tàn không thể vác nổi Thập giá đến nơi đã định, cho nên lý hình đã nhìn thấy ông Simon và chúng bắt ông vác đỡ thập giá Chúa. Theo lẽ tự nhiên ông Simon có thể từ chối, nhưng vì lý do bắt buộc nên ông đã ghé vai vác lấy thập giá thay cho Chúa Giêsu. Tuy bị ép buộc, thế nhưng Chúa Giêsu đã nhìn ông. Trước cái nhìn đầy sức mạnh nhiệm mầu, ơn thánh đã bắt đầu hoạt động trong tâm hồn ông. Ông không còn vác thập giá cách miễn cưỡng nữa nhưng ông đã vui lòng đỡ lấy thập giá Chúa , trở thành ân nhân ra tay giúp đỡ Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống đã biết bao lần chúng con nghe thấy đâu đó những lời mời gọi sự giúp đỡ của chúng con, và cũng nhiều khi chính chúng con cần người khác giúp đỡ chúng con. Ông Simon thành Kyrênê ngày ấy đã xuất hiện và giơ tay ra thật đúng lúc để giúp đỡ Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con một sức mạnh, một tinh thần can đảm phục vụ như ông Simon ngày nào, ngõ hầu mỗi khi giơ tay ra giúp đỡ người khác chúng con sẽ có dịp bày tỏ với mọi người rằng : trên đời này họ không đơn độc một mình và khi ấy chính chúng con cũng nhận ra được niềm vui hạnh phúc khi dâng hiến phục vụ mọi người.
 
Chặng thứ sáu - Bà Verônica trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt
Chúa Giêsu vẫn cần mỗi người hôm nay thực thi những nghĩa cử yêu thương hào hiệp đối với đồng loại như bàVerônica đã trao khăn cho Người lọt mặt năm xưa. Người vẫn cần lau đi những giọt mồ hôi, nước mắt và cả những giọt máu trên khuôn mặt của những người khốn cùng. Ngài vẫn cần một trái tim động lòng trắc ẩn, một đôi bàn tay biết thi ân, một sự can đảm dấn thân của mỗi người để đến với những người cùng khổ.
Qua tất cả những con người bất hạnh, bị khai trừ khỏi xã hội, Người vẫn cần nơi tôi một ánh mắt cảm thông chan chứa tình người, một lời nói gieo niềm lạc quan, một nụ cười chia sẻ để cuộc đời được thêm tươi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho khuôn mặt của những người khốn khổ in vào tâm trí chúng con như hình ảnh chính Chúa gọi mời, để chúng con biết đến với họ như bà Verônica ngày xưa, bằng sự can đảm, hiền hoà, tôn trọng phẩm giá cao cả của họ như chính họ đã được Chúa trân trọng

Chặng thứ bảy - Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Trên đường lên đồi Gôn-gô-tha, dưới sức nặng của cây Thập giá, Chúa Giêsu ngã xuống đất một lần nữa.
Trong ánh mắt người đời, Thiên Chúa đã ngã qụy trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã chết trong thất bại của Đức Giêsu. Dưới áp lực của sự ác lan tràn trong xã hội, len lỏi vào tận cấm địa của niềm tin, người Kitô hữu dễ dàng thốt lên đầy nghi nan và thất vọng : “Lạy Chúa, Ngài ở đâu?”
Thế nhưng, trong đức tin chúng ta nhận ra Đức Giêsu đang chỗi dậy, trung thành đến cùng với tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trong niềm tin, chúng ta nhận ra “Vị Thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thông những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta ngoại trừ tội lỗi”, và Ngài xoá bỏ những sa ngã của chúng ta trong hành trình cuộc sống. Trong niềm tin, chúng ta nhận ra nơi Ngài lời mời gọi thôi thúc chỗi dậy và luôn nhìn thẳng tới đích : sự công chính của nước Thiên Chúa. Trong niềm tin, chúng ta đón nhận niềm hy vọng và lời giải đáp phát xuất từ Thập giá cho cuộc sống cá nhân xã hội của chúng ta : chỗi dậy một lần nữa và cứ thêm những lần chỗi dậy như thế mãi ; đồng thời biết cảm thông với những thất bại, biết tha thứ thiếu sót của anh em.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến chia sẻ sự mỏng manh của phận người chúng con để mang đến cho chúng con niềm tin và đức ái cao cả của con cái Chúa. Mỗi lần chúng con sa ngã hay đứng trước những lầm lỡ của anh em, xin giúp chúng con lắng nghe và sống lời mời gọi của Chúa : “Hãy đứng dậy và theo Tôi”, vì , Lạy Chúa, Chúa là sức mạnh của chúng con.

Chặng thứ tám - Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ Giêrusalem
Trên đường lên đồi Calvê, có đám đông dân chúng cùng các phụ nữ theo Chúa Giêsu. Thấy Chúa phải chịu đau khổ, các bà đã đấm ngực và khóc than Ngài. Nhưng Chúa Giêsu quay lại và nói : “Hỡi các phụ nữ Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, song hãy khóc thương lấy mình và con các bà” (Lc 23, 27 – 28). Thay vì được an ủi, Chúa Giêsu đã lay động các phụ nữ trong hoàn cảnh sống của mình : có biết bao phụ nữ đang đánh mất chính nhân phẩm cao quí mà Thiên Chúa tặng ban chỉ vì một chút lợi lộc nhỏ nhoi. Có biết bao phụ nữ vô tâm trong trách nhiệm làm vợ, làm mẹ để gia đình phải sống trong cảnh nhà tan cửa nát. Nhưng cũng có biết bao nhiêu người mẹ, người vợ đang khóc hết nước mắt vì chồng bê tha, vì con hư đốn, vì những người thân yêu của mình phải đau khổ…tất cả họ cần được an ủi xót thương.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ cuộc tử nạn và thập giá Chúa, chúng con được sống trong đời sống mới. Xin Chúa làm mới lại những mảnh đời phụ nữ đang phải chịu áp bức, khinh khi. Xin Chúa làm mới lại những gia đình đang phải tan vỡ vì những xung đột vợ chồng. Xin Chúa cho những người vợ, người mẹ luôn biết hồi tâm vì những lỗi lầm mình đã phạm.

Chặng thứ chín - Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
Càng tiến gần đến đồi Calvariô để chịu hiến tế, sức lực Chúa càng cạn kiệt dần, khiến bước chân Ngài mỗi lúc một khó khăn hơn. Chính vì thế, Chúa đã phải ngã xuống đất nhiều lần. Ngài ngã xuống nhưng vẫn cố gượng đứng lên để hoàn tất con đường Chúa Cha đã dành cho mình.
Lạy Chúa, trong hành trình nên thánh, có những lúc chúng con cũng bị sa đi ngã lại nhiều lần, khi tẩy trừ một nết xấu để thực tập một nhân đức. Điều này nhiều khi làm chúng con chán nản, mệt mỏi muốn buông xuôi :
Chán nản, mệt mỏi vì cứ sa đi ngã lại mãi một nết xấu.
Chán nản, mệt mỏi vì sau bao năm cố gắng mà chẳng tiến được bao nhiêu trong đàng thánh thiện.
Những lúc ấy, xin Chúa thêm sức và ban ơn, giúp chúng con nhận ra sự yếu hèn của mình, để chúng con khiêm tốn hơn, biết noi gương Chúa : dù kiệt sức tàn hơi, dù gục ngã nhiều lần, vẫn can đảm chỗi dậy bước tiếp cuộc hành trình theo Chúa.

Chặng thứ mười - Quân dữ lột áo Chúa Giêsu
Đây là khổ hình cuối cùng Chúa Giêsu phải chịu trước khi chịu đóng đinh vào thập giá. Đức Giêsu là vị Thiên Chúa giàu sang vô cùng, là Chúa Tể trời đất mà nay lại trở nên khốn cùng đến nỗi không còn một manh áo để che thân. Đức Giêsu đã hiến thân hoàn toàn để làm lễ toàn thiêu chuộc tội cho thiên hạ. Nơi thân xác tím bầm và đầy máu của Ngài ẩn giấu tất cả nỗi khổ đau ê chề của toàn thể nhân loại.
Trước con mắt của những kẻ lên án Ngài, thân xác Chúa Giêsu trở thành đối tượng cho họ nhạo cười phỉ báng. Còn đối với những ai tin Ngài và yêu mến Ngài thì thân thể chuộc tội của Đức Giêsu lại diễn tả tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, từ chỗ giàu sang Chúa đã trở nên nghèo khó khốn cùng để cho chúng con được giàu có nhờ sự nghèo khó của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa đoái thương những người nghèo đói, những nạn nhân của chiến tranh và thiên tai, họ đang phải đói cơm thiếu áo, khổ đau và bệnh tật … Xin cho chúng con luôn bác ái quảng đại giúp đỡ bao người cùng cực để san sẻ áo cơm và tình người theo gương Chúa để lại

Chặng thứ mười một - Chúa Giêsu chịu đóng đinh
Bàn tay nắm chặt cán búa của những tên lý hình giáng xuống chát chúa trên những chiếc đinh nhọn trong lòng bàn tay đang mở ra của Đức Giêsu. Vì yêu thương nhân loại Đức Giêsu đã mở rộng bàn tay để thi ân tất cả và cũng để đón nhận tất cả đớn đau sỉ nhục bẽ bàng. Ngài mở rộng bàn tay để lời tiên tri thuở nào được nên trọn : "Họ đâm thủng tay và chân tôi, tôi có thể đếm hết các xương tôi".
Trước cái chết đang đợi sẵn, Đức Giêsu vẫn mở rộng bàn tay, đôi chân và tấm thân vốn đã bị tước đoạt hết y phục để thi thố tình yêu trước sự độc ác, căm phẫn của lòng người. Ngài dùng chính hành động của kẻ sát nhân để bày tỏ tình yêu không cạn kiệt hằng ở bên Cha trong Ngài. Toàn thân Ngài đã nên thương tích để chữa lành những tâm hồn mang vết tích đau thương.
Lạy Chúa Kitô bị đóng đinh, xin thúc đẩy chúng con yêu thương không chỉ là ban tặng, gia ân, nhưng còn là mở rọng đôi tay, tấm lòng đón nhận những vết thương rướm máu nhiều khi thật nghiệt ngã trớ trêu khó lành.
Xin đóng đinh con vào tình yêu Ngài để con có sức mạnh và lòng can đảm chịu đóng đinh cho anh em, thay vì con đóng đinh anh em.

Chặng thứ mười hai - Chúa Giêsu chết trên Thập giá
Tin mừng thánh Gioan thuật lại : “Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Ta khát !”. Ở đó có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bột biển có thấm đầy giấm, buộc vào một cành hương thảo, đưa lên miệng Người, nếm một chút, Đức Giêsu nói : “Mọi sự đã hoàn tất !”. Rồi Người gục đầu xuống trút hơi thở.
Chúng ta đã từng được nghe báo tin hay chứng kiến về nhiều cái chết :
- Có cái chết vô nghĩa của kẻ bị phụ tình bạc nghĩa.
- Có cái chết cao cả của người mẹ hy sinh mạng sống mình để cứu người con.
- Có cái chết anh dũng của kẻ hiếu với dân, trung với nước.
- Có cái chết âm thầm từng ngày của người hy sinh cả cuộc đời phục vụ những người khốn khổ nghèo hèn.
Giờ đây, dừng lại ở chặng thánh giá này, chúng ta lại thêm một lần chiêm ngắm cái chết của Con Thiên Chúa. Đó không phải là cái chết vô tình, vô nghĩa hay vô vọng, nhưng là cái chết vì yêu, cái chết của người hiến mình đến tận cùng cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cảm nhận sâu xa bài học yêu thương của Chúa. Ước chi tình yêu của Chúa luôn là lời mời gọi và thôi thúc chúng con dám hy sinh, hiến mình cho người khác, hầu giúp họ được lớn lên và sống sung mãn hơn.

 Chặng thứ mười ba - Hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập giá
Bắt đầu từ Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội đi vào cuộc tưởng niệm Tử nạn của Chúa Giêsu, để rồi qua sự chết, chúng ta đón mừng Chúa Phục sinh. Cũng như khi người thân giã từ cõi thế, mặc dù với khóc than và nước mắt nhưng niềm tin của người Kitô hữu luôn đặt đến cuộc sống trường sinh với Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mang lại cho chúng con sự sống đích thực, sự sống mà chính Chúa phải trả giá, phải được hạ xuống tận lòng đất. Xin cho mỗi người chúng con có can đảm để nhìn lại cuộc dấn thân của mình, dám để mình “bị hạ xuống” vì danh Giêsu, dám để tình yêu Giêsu lan tỏa trong cuộc đời khi tình yêu ấy phải nói trong nghĩa “thập giá”.



Chặng thứ mười bốn - Táng xác Chúa Giêsu trong mộ đá
Tin mừng thánh Gioan thuật lại : Sau khi đã lấy băng vải tầm thuốc thơm mà quấn xác Chúa theo tục lệ người Do Thái, ông Giuse Arimathia đã để xác Chúa Giêsu vào ngôi mộ đục sẳn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ.
Việc táng xác Chúa Giêsu diễn ra trong vội vàng vì đã áp ngày Hưu Lễ. Trước khi mặt trời lặn, người ta đã lăn một tảng đá to lấp cửa mồ. Một sự an nghỉ hoàn toàn bao quanh ngôi mộ Chúa. Khi đã hoàn tất những gì Chúa Cha đã gởi Người xuống thế, Chúa Giêsu đã an nghỉ trong mồ.
Dưới con mắt nhân loại thì Chúa Giêsu hoàn toàn thất bại. Người đã bị chôn trong sự thinh lặng, cô đơn và trong bóng tối của lòng đất.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết liên kết với Đức Maria trong đức tin và niềm hy vọng để mọi nỗi sầu muộn, khổ đau không làm suy giảm niềm tin của chúng con, và dù bóng tối càng mịt mù, thử thách càng nặng nề thì chúng con càng kiên vững vào Chúa.
Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, tội lỗi chúng con chính Chúa mang lấy. Tình yêu của Chúa xoá hết mọi tội khiên. Chúa đã đến để nối kết đất với trời, con người với Thiên Chúa. Thập giá đã dựng nên để chúng con được tha và được yêu.
Chúa không vác thập giá với than khóc, thụ động, ngã quỵ và nằm lỳ. Xin cho chúng con hiểu đường thập giá là đường tình yêu, đường dẫn tới giải thoát và chan hoà ánh sáng Phục sinh. Xin giúp chúng con kiên trì vác thập giá đời mình theo Chúa trong cố gắng kiện toàn và đổi mới. Amen



THIÊN CHÚA ĐAU LÒNG




















Lời Chúa: Thứ ba, Tuần III mùa chay, năm A
Tên đầy tớ sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.” (Mt 18,26-27)
Suy niệm: Mùa Chay nhắc nhở chúng ta suy niệm về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, không chỉ nhớ đến những đau đớn, nhưng cả thái độ khoan dung của Ngài, đặc biệt việc Ngài quảng đại tha thứ cho những kẻ hành hạ và giết mình bất công. Qua Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra chân dung của một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Tên đầy tớ trong dụ ngôn chỉ vừa sấp mình xuống xin hoãn nợ, thì ông chủ đã đau lòng trước tình cảnh đó, đến nỗi không cần y mở miệng van xin, ông đã tha luôn món nợ cho y. Thiên Chúa -chính là ông chủ đó- luôn động lòng thương chúng ta -là con nợ- như thế đó! Vì Ngài đã thương và tha nợ cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta cũng biết động lòng tha thứ cho nhau.
Mời Bạn: Thế giới chiến tranh, xã hội đầy bạo lực, gia đình xáo trộn, vợ chồng ly dị vì con người thiếu lòng khoan dung khi cư xử với nhau. Thế nhưng, tha thứ cho nhau là điều chẳng dễ dàng chút nào! Chỉ khi nào chúng ta cảm được nỗi đau của Thiên Chúa khi bạn và tôi không tha thứ, chỉ khi bạn và tôi nhận ra Thiên Chúa quá yêu, luôn tha thứ cho chúng ta, có lẽ lúc đó, chúng ta mới can đảm tha thứ cho nhau.
Sống Lời Chúa: Xin ơn hiểu được Thiên Chúa đau lòng khi tôi không sống tha thứ cho nhau. Đồng thời, xin Chúa nâng đỡ để thực hiện nghĩa cử hòa giải với một người xúc phạm đến mình trong mùa Chay này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chưa mở miệng xin, thì Chúa đã tha cho con món nợ tày đình. Xin giúp con cũng biết tha thứ cho nhau. Amen.
Nhóm Biên Soạn 5 phút suy niệm Lời Chúa

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

QUÊ HƯƠNG, CHÙM KHẾ NGỌT

Lời Chúa: Thứ hai, Tuần III mùa chay, năm A
“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)
Suy niệm: Làm một hàng xóm láng giềng tốt với nhau đã khó, làm ngôn sứ tại quê hương mình thì càng khó được chấp nhận hơn. Chúa Giê-su cũng không nằm ngoài quy luật đó. Không những không chấp nhận, những người đồng hương với Chúa còn tìm cách hãm hại Ngài. Nhưng Chúa Giê-su vẫn không ngừng rao giảng, và Ngài đã rao giảng cho đến chết và rao giảng bằng chính cái chết và phục sinh của Ngài.
Mời Bạn: Mỗi người chúng ta được  mời gọi sống và làm chứng đức tin ngay tại quê hương xóm làng và cho chính họ hàng gia đình của mình. Thật không dễ chút nào. Nhưng sự khó khăn không cho phép chúng ta im hơi lặng tiếng. Mỗi người theo cách của mình, đều có thể làm chứng cho niềm Tin. Nếu chúng ta cảm nhận được rằng “quê hương là chùm khế ngọt”, thì chúng ta vẫn phải thao thức làm một cái gì đó tốt đẹp cho đồng bào mình. Nếu bạn vững tin và biết cưu mang những điều tốt đẹp, bạn đã làm cho Tin Mừng được loan báo cho trên quê hương mà bạn thương mến.
Chia sẻ: Bạn đã sống thế nào với hàng xóm láng giềng, nhất là với anh em lương dân đồng hương với bạn? Bạn yêu thương họ hết mình chưa?
Sống Lời Chúa: Chọn một gia đình lương dân sống gần bạn để cầu nguyện cho họ mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù không được những người đồng hương tiếp nhận, nhưng Chúa vẫn tiếp nhận mọi người và muốn cứu độ mọi người. Xin cho con trái tim của Chúa, để con luôn cảm nhận “quê hương là chùm khế ngọt” và loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng bào của con.
Nhóm Biên Soạn 5 phút suy niệm Lời Chúa