"Sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi
họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay." (Lc 5,35)
Tại một xứ Hồi giáo,
có một người đàn ông bị vua ra lệnh treo cổ vì đã ăn trộm thức ăn của người
khác. Như thường lệ, trước khi bị xử, tội nhân được nhà vua cho phép xin một ân
huệ. Kẻ tử tội bèn xin nhà vua :
- Tâu bệ hạ, xin cho
thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, mọc
thành cây và có trái ăn tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại
cho thần. Thần tiếc là khi thần chết đi rồi, bí quyết này sẽ không được truyền
lại cho hậu thế.
Nhà vua truyền chuẩn
bị mọi sự để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn trồng táo. Đến giờ hẹn,
trước mặt vua và các quan văn võ, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói
- Chỉ có người nào
chưa hề ăn trộm của người khác mới trồng được hạt giống này. Vì tôi đã lỡ ăn
trộm nên không thể trồng được.
Nhà vua vẫn chiều
lòng tên ăn trộm, nên quay sang nhìn tể tướng. Sau một lúc do dự, vị tể tướng
thưa :
- Tâu bệ hạ, thần nhớ
lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác. Thần nhận thấy
không đủ điều kiện để trồng hạt táo này.
Nhà vua đưa mắt nhìn
quanh các quan văn võ đang có mặt. Ông nghĩ may ra quan thủ kho trong triều là
người nổi tiếng trong sạch có thể đủ điều kiện. Nhưng quan thủ kho cũng lắc đầu
từ chối và tuyên bố với mọi người rằng ông cũng đã có lần gian tham trong
chuyện tiền bạc.
Không tìm được ai,
nhà vua mới định cầm hạt táo đến bỏ vào lỗ. Nhưng ông cũng chợt nhớ ra lúc còn
nhỏ ông đã có lần đánh cắp báu vật của
vua cha.
Bấy giờ người tử tội
mới chua xót lên tiếng :
- Tâu bệ hạ, các ngài
là những người quyền thế cao trọng, không thiều thốn điều gì. Vậy mà các ngài
không thể trồng được hạt táo này, chỉ vì các ngài cũng đã có lần lấy của người khác. Còn hạ thần, một con
người khốn khổ, chỉ vì lỡ lấy thức ăn của người khác ăn cho đỡi đói, thế mà các
ngài lại kết án treo cổ hạ thần.
Nghe thế, nhà vua và
cả triều thần như xốn xang trong lương tâm. Ông bèn ra lệnh phóng thích người ăn trộm.
Bài
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta: Tránh xét đoán nhau. Chúng ta đừng
xét đoán nhau, vì khi xét đoán ai, chúng ta dễ sai lầm, thiếu cái nhìn khách
quan mà chỉ theo chủ quan của mình; chúng ta không nhận thức đúng và hợp lý các
sự việc, nên cũng khó có thể nhận định đúng. Trái lại, chúng ta cần phải có cái
nhìn quảng đại và biết tôn trọng người khác; hãy luôn nhìn đến những điểm tốt
của nhau.
Đối với các Biệt-phái và Kinh-sư, cầu nguyện và ăn
chay là hai tiêu chuẩn dùng để xét xử con người có đạo đức hay không, và một
cách gián tiếp, đánh giá người Thầy của các môn đệ đó. Bằng một câu hỏi, họ đã
xét xử và kết tội Chúa và các môn đệ của Ngài là những người không đạo đức vì
mê ăn uống. Họ nói với Người: "Môn
đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Biệt-phái cũng thế, còn môn
đệ ông thì ăn với uống!"
Đức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng
rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay".
Mục đích của việc ăn chay, theo truyền thống của người Do-thái, là mong đợi
Đấng Cứu Thế đến. Các môn đệ không cần phải ăn chay vì họ đang có Chúa hiện
diện giữa họ. Chàng rể là Chúa Giêsu và khách dự tiệc là những môn đệ của Chúa.
Sẽ có ngày Chúa Giêsu rời bỏ các môn đệ, lúc đó họ sẽ ăn chay.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sửa đổi đời sống, biết cảm thông trước những thiếu sót của
anh em. Xin
cho ánh mắt chúng con nhìn tha nhân trong yêu thương, tôn trọng trong bao dung
và tha thứ. Xin cho tình người chúng con luôn được chan hòa sự bác ái và vị tha
để mang lại hạnh phúc cho nhau, hơn là những sự hận thù và đầy đọa làm khổ lẫn
nhau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét