“Còn
Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên
tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần
sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới
đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới
đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”
(Mt 16,18-19).
Ngày xưa, một vị
vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các
nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua
hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe
thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp để
xin ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ
kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập
thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối cẩm thập rất
đẹp. Ai cũng quyết tâm dành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà
Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.
Mỗi đoàn dự thi được
ban tổ chức bố trí ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng
cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác
phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt
tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung
của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua,
nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại một đại sảnh lớn
trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi
thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ
nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Nhà vua hết sức
hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng phù điêu đều có
những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn thấy giống hệt khuôn mặt của
ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch,
hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày
tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì
không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một
phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua
liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến đứng trước
phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy
hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm
động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài
nhưng chúng không sống động và trung thực như hình ảnh được phản
chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác
phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác
cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị
của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện
bảo tàng quốc gia cho dân chúng được tự do chiêm ngưỡng.
Muốn trở nên tông đồ của Chúa Giêsu, chúng ta cần
phải sống yêu thương như Chúa Giê-su. Tiếp đến hàng ngày phải thanh
luyện bản thân, đục đẽo đi những gồ ghề, chà xát các chỗ bị thô
nhám, nghĩa là bỏ đi sự gian ác khó tính, tẩy sạch các vết nhơ tội
lỗi. Phải làm cho linh hồn mình ngày càng trong sạch và thánh thiện
giống như chiếc gương soi. Chính nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và rước
lễ hàng ngày, nhờ biết xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, nhờ cố
gắng noi gương Chúa Giê-su về cái nhìn bao dung nhân từ, ăn nói điềm
đạm, thái độ vui vẻ chân thành, giao tiếp thân tình, ứng xử hiền
hòa, khiêm tốn phục vụ tha nhân... mà chúng ta hy vọng sẽ dần dần
trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh từ bi nhân hậu của Người.
Để khi có dịp tiếp xúc với chúng ta, người lương sẽ cảm mến và tin
theo Chúa Giêsu, vì họ đã gặp được Người nơi mỗi chúng ta. Đó chính
là phương cách làm việc tông đồ hữu hiệu nhất trong thế giới hôm nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét