Bài dụ ngôn nầy ( Mt 21, 28-32 ) Chúa muốn dạy những vị Thượng tế, những bậc Kỳ lão nghĩa là những người làm đầu dân Do thái, những người hướng dẫn dân Do thái về mặt đạo đức, tôn giáo. Những người nầy thường tự cho mình là công chính vì giữ luật tỉ mỉ, nghiêm nhặt, thường tự cho mình là đạo đức vì luôn luôn dâng của lễ, đứng gần bàn thờ và siêng năng đọc kinh! Đời sống của họ khác hẳn với những người thu thuế vừa mang tội tiếp tay với ngoại bang, vừa mang tội tham nhũng lỗi đức công bằng, đời sống của họ càng khác hẳn những cô gái đĩ điếm. Cứ tự nhiên, chúng ta cũng phải khen những người đó và chê trách hạng thu thuế, gái điếm. Nhưng dụ ngôn lại đi ngược lại! Tại sao vậy ?
Chúng ta hãy nghe kỹ Chúa nói : Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha. Nó thưa lại rằng: Con không đi. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và nói như vậy. Nó thưa lại: Thưa cha vâng, con đi. Nhưng nó lại không đi.
Đứa con thứ nhất trả lời thẳng thừng không đi, tức là không vâng lời cha mình, tức là lỗi phạm với cha mình, nhưng rồi anh ta hối hận và đi làm như ý Cha mình.
Hình ảnh của đứa con thứ nhất này chính là hình ảnh những người tội lỗi, những hạng thu thuế và gái điếm biết tội lỗi của mình, thống hối, bỏ đời sống xấu xa, trở lại sống tốt đẹp theo ý Chúa.
Đứa con thứ hai ta thấy thế nào? - Anh trả lời rất tử tế, rất đáng là đứa con tốt vì anh vâng lời ngay, không càu nhàu, không bực mình, không tỏ ý “cực chẳng đã” phải vâng lời. Ta có thể đoán anh ta trả lời “vâng” với Cha thật vui vẻ, cử chỉ rất hiếu thảo, nhưng anh không làm, anh vâng lời ngoài môi miệng thôi. Phải chăng anh tưởng nói vui vẻ với cha, tiếp đón cha lịch sự là đủ rồi, còn việc cha dạy không làm cũng được? Có điều rõ ràng là anh ta sống theo ý anh ta, không hối hận, không trở về, không bỏ nếp của mình. Đời sống của anh là của riêng anh, không phải là đời sống theo ý Chúa. Đây là hình ảnh những người biệt phái, những bậc kỳ lão, những vị thượng tế của dân Israen. Họ tự tạo cho mình một đời sống và họ rất đắc chí, rất thỏa mãn về đời sống của họ. Họ thấy không phải hối hận, không phải tin vào ai nữa cả ngoại trừ các luật lệ Môisen. Vì thế, thánh Gioan tẩy gỉa tới rao giảng thống hối, rao giảng phải đổi đời, phải quay trở về với Thiên Chúa thì họ dửng dưng, lòng không lay chuyển vì họ cho mình là tốt rồi, công chính rồi, không phải thống hối gì cả. Trong khi đó những hạng người tới thú tội như hạng thu thuế, gái điếm, xin chịu phép rửa và sống theo lời thánh nhân dạy.
Kết quả là những người biết thống hối, biết ăn năn và làm theo Ý Chúa, được vào Nước Trời; chiếm lấy phần thưởng của những người không thống hối, tự ru mình trong ảo tưởng là mình tốt lành, thánh thiện.
Cái nguy hiểm của người đạo đức là tự cho mình không phải sửa sai lại đời sống của mình. Cái nguy hiểm của người chủ chăn là tưởng mình là như thế nầy là đúng, là phục vụ Giáo Hội, phục vụ giáo dân nhất rồi, không cần phải thay đổi, phải xét lại làm gì nữa. Cứ sống như thế, làm như thế là tốt rồi, thay đổi chỉ đem lại xáo trộn, vô ích. Đời sống phụng vụ, cách trình bày Lời Chúa, phương pháp dạy Giáo lý cứ như thế từ trước tới nay, không canh tân, không đổi mới, im lìm như nước ao tù mà cứ tưởng là bình yên, vô sự, không sóng gió, thật ra nguy hiểm vì nó lỗi thời và không còn sức sống nữa. (thú thật dụ ngôn nầy đang nói về tôi là linh mục chánh xứ đang ở trong con thuyền trên biển lặng “như tờ” và nơi nào cũng vậy, chỉ thấy hùng hồn, động ở trên giấy tờ, chưa kịp làm đã có thứ mới, hóa ra chỉ mới ở trên giấy tờ v.v)
Dụ ngôn còn nói lên một cái “nhạy bén” của kẻ có tội có thể gọi là “lợi điểm” của kẻ có tội hơn là kẻ sống trong ảo tưởng đạo đức. Nhạy bén do mình cảm thấy xa Chúa, cảm thấy mình xấu, cảm thấy phải trở về, phải hối hận. Còn người tự cho mình là thánh, là đạo đức hơn người không thể cảm thấy phải trở về, phải hối hận, phải sửa đổi. Cho mình là hay, là tốt là cách thế ru ngủ mình sống trong ảo tưởng, xa Chúa mà tưởng là gần.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét