Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Lễ Kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu


LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ
Linh mục Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Mt 18, 1-4
Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã để lại cho trần gian một con đường nên thánh xem ra đơn sơ, giản dị, nhưng cũng là một linh đạo tuyệt vời:” con đường thơ ấu thiêng liêng”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là ai ?
Con đường thơ ấu thiêng liêng nói gì cho ta ?
MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, con ông Louis Martin và bà Maria Guérin. Người sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873 tại Alencon nước Pháp. Gia đình Ông bà Louis Martin sinh được 9 người con. Tuy nhiên 4 người con đã qua đời, chỉ còn lại 5 chị em gái.

Nghe Lời Chúa Qua Giáo Hội

Lời Chúa thứ sáu tuần 26 thường niên

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” (Lc 10,16)

Suy niệm: Bạn và tôi đừng hiểu nhầm rằng những lời trên đây của Chúa Giê-su nói về chuyện vâng phục trong đời sống hằng ngày, thật ra Người muốn nói đến việc lắng nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu nói: “Ai nghe anh em là nghe Thầy”. “Thầy” ở đây chính “Ngôi Lời nhập thể.” “Anh em” ở đây là những sứ giả loan báo Tin Mừng. Những sứ giả này là những người chuyển tải sứ điệp của Tin Mừng. Chính vì thế, từ chối họ không phải là từ chối học thuyết hay quan niệm riêng của họ về cuộc sống, mà là từ chối sứ điệp Tin Mừng, từ chối chính “Ngôi Lời.” Thế mà từ chối Người cũng là từ chối tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho mình.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Có Còn “Nathanaen”?


Lời Chúa thứ năm tuần 26 thường niên

“Đây đích thực là một người Israen, lòng dạ không có gì gian dối.”(Ga 1,47)

Suy niệm: Chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy Nathanaen mới gặp Chúa lần đầu, chỉ nghe Chúa nói một câu, mà đã nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đó là ơn trên ban, nhưng chính Nathanaen cũng phải chuẩn bị tâm hồn của mình: lòng dạ không có gì gian dối. Đây không phải là lời ca tụng của người đời dành cho ông, nhưng phát xuất từ chính Đức Giêsu. Lòng dạ không có gì gian dối là chìa khoá để Nathanaen nhanh chóng nhận ra Đức Giêsu. Với chìa khoá này, Đức Giêsu còn hứa ban cho Nathanaen thấy những điều lớn lao hơn nữa: “Các anh sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người.”

Mời Bạn: Bạn và tôi hãy yêu mến sự chân thật, để giống như Nathanaen, Chúa Giêsu cũng sẽ khen tặng chúng ta: lòng dạ không gì gian dối, cũng như cho ta thấy những điều cao trọng nơi Ngài. 

Chia sẻ: Nhiều người vẫn chưa nhận ra Chúa Giêsu chính là Sự Thật. Phải chăng vì tôi chưa sống thật, lòng tôi còn gian dối, nên người ta chưa thấy Tin Mừng là Tin thực sự đáng mừng? Thế giới đang cần những “Nathanaen mới” để loan báo Tin Mừng. 

Sống Lời Chúa: Hôm nay, khi phát biểu, diễn tả bất cứ điều gì, tôi cố gắng nói thật hết sức có thể. 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mặc dù là con cái Chúa, nhưng lòng dạ con còn gian dối, lòng con vẫn còn xa Chúa. Con gian dối nên con không được thấy hơn nữa vẻ đẹp của vũ trụ, của con người, của tình yêu Chúa dành cho con. Lạy Chúa, Chúa chính là Sự Thật, Đấng giải thoát chúng con đích thực. Xin cho lòng con là những “Nathanaen mới”. Amen.

Nhóm Biên Soạn suy niệm Lời Chúa

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Phẩn Nộ Thánh

Lời Chúa thứ hai tuần 26 thường niên
“Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng không?” (Lc 9,54)
Suy niệm: Hai môn đệ Gioan và Giacôbê tức giận đến điên lên vì dân một làng vùng Samaria không đón tiếp Chúa. Các ông muốn lấy lửa từ trời xuống thiêu họ để trả thù. Nhưng Chúa Giêsu khiển trách các ông, vì đó không phải là tinh thần của Ngài. Tinh thần của Chúa là hiền từ, bao dung, tha thứ, không chấp nhất sự dữ, “không lấy ác báo ác, không lấy lời nguyền rủa đáp lời nguyền rủa” (1P 3,10). Điều đó không luôn luôn dễ dàng, nhưng người ta không thể phục vụ Tin Mừng bằng cách đi ngược lại Tin Mừng. Bản chất Tin Mừng là yêu thương, và không ai có thể dùng bạo lực mà yêu thương. Có thể có những trường hợp họa hiếm được phẫn nộ một cách thánh thiện (ira sancta), nhưng cả khi ấy, sự phẫn nộ phải trong sáng, không vụ lợi và tự chế đúng mức (như khi Chúa trả lời kẻ đã vả mặt Chúa).

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Tất Cả Cho Nước Trời

Lời Chúa thứ hai tuần 26 thường niên
“Ai là người nhỏ nhất trong anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,50)

Suy niệm: Nữ thủ tướng Đức Markel vừa được tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất trong năm 2011 này (25/08/2011). Người đời luôn quan tâm đến những người nam nữ quyền lực nhất, ảnh hưởng nhất, giầu có nhất… Các tông đồ cũng không tránh khỏi não trạng này khi suy nghĩ và thậm chí có lúc tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Đã là môn đệ Đức Giêsu -Đấng khai mở Nước Trời- và là công dân của Nước Trời ấy, nhưng xem ra các ông chưa hiểu gì về Nước Trời. Trong Nước Trời tình thương, và an bình, làm gì có chuyện lớn nhất với nhỏ nhất, quyền lực nhất với hèn mọn nhất, vì ai ai cũng là con cái Thiên Chúa, là anh em với nhau, là em của Anh Cả Giêsu. 

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Dạ mà không vâng là ai ???


Linh mục FX Nguyễn Hùng Oánh

Bài dụ ngôn nầy ( Mt 21, 28-32 ) Chúa muốn dạy những vị Thượng tế, những bậc Kỳ lão nghĩa là những người làm đầu dân Do thái, những người hướng dẫn dân Do thái về mặt đạo đức, tôn giáo. Những người nầy thường tự cho mình là công chính vì giữ luật tỉ mỉ, nghiêm nhặt,  thường tự cho mình là đạo đức  vì luôn luôn dâng của lễ, đứng gần bàn thờ và siêng năng đọc kinh!  Đời sống của họ khác hẳn với những người thu thuế vừa mang tội tiếp tay với ngoại bang, vừa mang tội tham nhũng lỗi đức công bằng, đời sống của họ càng khác hẳn những cô gái đĩ điếm. Cứ tự nhiên, chúng ta cũng phải khen những người đó và chê trách hạng thu thuế, gái điếm. Nhưng dụ ngôn lại đi ngược lại! Tại sao vậy ?

Lời Chúa chúa nhật XXVI:"Người Con Vâng Lời"

Sám hối là khởi điểm

ĐTGM Ngô Quang Kiệt
Nguồn: Tinmung.net
Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Theo Tiếng Lương Tâm

Lời Chúa: Thứ năm tuần 25 thường niên
Tiểu vương Hêrôđê nghe biết những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. (Lc 9,7)

Suy niệm: “Lương tâm cảnh cáo ta như một người bạn trước khi trừng phạt ta như một thẩm phán” (Vua Ba Lan Stanislas). Tiểu vương Hêrôđê lúc này đang bị “thẩm phán” lương tâm trừng phạt vì tội giết chết một ngôn sứ can đảm như Gioan Tẩy Giả. Nhà vua bị tội ác này ám ảnh đến nỗi khi nghe nói về danh tiếng của Đức Giêsu, ông liền cho rằng Gioan đã sống lại. Vâng theo tiếng lương tâm thúc dục, Gioan đã can trường khiển trách một ông vua loạn luân. Chiều theo lời xúi giục của phụ nữ, Hêrôđê đã giết chết một người vô tội. Ông tưởng rằng khi giết chết người tố giác tội mình, lòng ông sẽ yên hàn thảnh thơi. Thế nhưng, dù lời khiển trách bên ngoài của vị ngôn sứ đã bị dập tắt, tiếng lương tâm trong tâm hồn tiếp tục trừng phạt ông đêm ngày. 

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Những Điều MátThêu Không Từ Bỏ

Lời Chúa: Thứ tư tuần 25 thường niên

Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi đó. Người bảo ông: “Hãy theo tôi.” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9,9)

Suy niệm: Mát-thêu bỏ bàn thu thuế, để theo Chúa, nhưng ít nhất có hai điều ông đã không từ bỏ. Thứ nhất: ông đã không bỏ những bạn đồng nghiệp với ông. Ông mở tiệc lớn với họ để ăn mừng việc ông theo Chúa (x. Mt 9,11). Các Phúc Âm Mác-cô và Lu-ca nói rõ chi tiết này (x. Mc 2,15; Lc 5,29). Chúa Giê-su cũng có mặt trong bữa tiệc đó. Ai dám bảo rằng sau bữa tiệc đó, lại không có thêm những người cũng đứng dậy, cùng với Mát-thêu để đi theo Ngài? Thứ hai: Mát-thêu bỏ bàn thu thuế nhưng không quên đem theo cây bút. “Cây bút”, dụng cụ để tính sổ thu thuế giờ đây trở thành công cụ để ông ghi chép Tin Mừng. Ai có thể nói được bao nhiêu người đã trở thành môn đệ Đức Ki-tô nhờ đọc cuốn Tin Mừng mà người cựu thu thuế này đã viết ?

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Nghe Và Thực Hành Lời Chúa

Lời Chúa: Thứ hai tuần 25 thường niên
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”(Lc 8,21)

Suy niệm: Có nhiều trường hợp ta cảm thấy gần gũi với người ngoài hơn là với người trong gia đình. Mối liên hệ sâu xa nhất trong cuộc sống không phải lúc nào cũng là mối liên hệ huyết thống, nhưng có thể là sự tương quan từ trái tim đến trái tim, từ trí óc đến trí óc. Khi cùng chung mục đích, lý tưởng, sở thích, ý hướng trong cuộc đời, con người sẽ thật sự trở nên thân thuộc với nhau. Chúng ta nhớ lại định nghĩa về Nước Trời được nói tới trong kinh Lạy Cha: Nước Trời là xã hội trên mặt đất, nơi ý Cha được thể hiện trọn vẹn như ở trên trời. Trong cuộc sống tại thế, chỉ mình Chúa Giêsu đã thành công trong việc đồng nhất ý muốn của mình với ý muốn của Chúa Cha. Những ai có chung mục đích sống là làm theo ý muốn của Thiên Chúa, những người ấy mới thật sự là họ hàng với Chúa Giêsu.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Đêm hội ngộ giới trẻ hạt Tân Định 2011

Vào chiều thứ bảy ngày 17/09/2011 từ 16g30 đến 21g30, hơn 2000 bạn trẻ hạt Tân Định, Giáo phận Sài gòn đã đến chật kín khuôn viên nhà thờ Tân Định tham dự Đêm hội ngộ giới trẻ 2011.

“Điểm tựa Giêsu” là chủ đề chính của Đại hội, nhằm mời gọi các bạn trẻ hãy biết xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng Đức Kitô, biết bén rễ sâu vào Đức Kitô, chọn Đức Kitô làm kim chỉ nam, là con đường làm nên người trẻ hôm nay, con đường dẫn dắt người trẻ đến thành công trong cuộc sống. 

Nghe Thế Nào Sẽ Sống Thế Nấy

Lời Chúa: Thứ hai tuần 25 thường niên
“Vậy anh em hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” (Lc 8,18) 

Suy niệm: Vâng, trước khi muốn soi sáng cho người khác thì chính bản thân bạn phải là ánh sáng! Đây không phải là thứ ánh sáng thông thường, nhưng là ánh sáng thần linh từ Thiên Chúa, và chỉ có thể đón nhận từ Ngài. Chất lượng của ánh sáng ấy tùy thuộc vào cách ta nghe Lời Chúa. Kinh nghiệm cho thấy cùng nghe thuyết trình, nhưng có nhiều mức độ chú ý khác nhau: có người ngủ gật, có kẻ chia trí, không nghe cũng chẳng ghi nhớ được gì! Trái lại, cũng có người khao khát, mắt chăm chú nhìn người thuyết trình như muốn nuốt lấy mọi lời, trí khôn chăm chú, thức tỉnh, tay cầm bút ghi chép, sẵn sàng trả lời khi được đặt vấn đề.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Lời Chúa chúa nhật XXV:"Thợ làm vườn nho"

Lý Lẽ của Trái Tim


Khi nghe dụ ngôn này có nhiều người thắc mắc: Chúa có công bằng không khi ban thưởng cho người làm ít cũng bằng người làm nhiều? Hỏi như thế là chưa hiểu rằng đây chỉ là một dụ ngôn. Dụ ngôn không phải là một chuyện có thật. Nhưng chỉ là một câu chuyện dùng làm hình ảnh để giải nghĩa giáo lý của Chúa. Trong dụ ngôn, Chúa không có ý dạy về những kiến thức trần gian, nhưng muốn nói về những chân lý Nước Trời. Những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua dụ ngôn ‘Người thợ làm vườn nho giờ thứ mười một’ này là:

Mảnh Đất Tốt Cho Lời Chúa


Lời Chúa: Thứ bảy tuần 25 thường niên
“Hạt rơi vào đất tốt đó là những kẻ nghe Lời Chúa và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.” (Lc 8,15)

Suy niệm: Mảnh đất tâm hồn nào cho Lời Chúa đâm hoa kết trái? Câu trả lời đã rõ trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là sự kiên trì. Người ta chỉ có thể kiên trì khi ý thức được giá trị của điều mà mình muốn theo đuổi, để dù ai nói ngả nói nghiêng, thì ta vẫn vững như kiềng ba chân! Giá trị ở đây chính là Lời Chúa, Lời Hằng Sống, Lời có từ muôn thuở, Lời không hề thay đổi dù một chấm một phảy, dù trời đất có qua đi. Lời ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi đến muôn đời vẫn không hề đổi thay. Người kiên nhẫn không phải là không thấy trước những khó khăn mình sẽ gặp, nhưng biết cách để vượt qua. Người hay thay đổi là người bị ngoại cảnh làm mất đi tính quả quyết thuở ban đầu.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Những Người Nữ Đầu Tiên


Lời Chúa: Thứ sáu tuần 24 thường niên
Cùng đi với Người có Nhóm Mười Hai, và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. (Lc 8,1)

Suy niệm: Thế giới của người phụ nữ Do Thái thời Đức Giêsu nằm trong khung cửa hẹp của gia đình với các công việc nội trợ. Thế nên sự hiện diện của nhóm phụ nữ đi theo Đức Giêsu hẳn là một sự kiện lạ thường. Là những người đã nhận lãnh: “được Đức Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh,” các bà đáp trả qua việc cho đi: “giúp đỡ Đức Giêsu và các tông đồ” bằng tài sản của mình. Như vậy, bên cạnh Nhóm Mười Hai và 72 môn đệ, nhóm phụ nữ này cũng có một vai trò đáng kể trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, đặc biệt hiện diện trong cuộc Khổ Nạn, là những người đầu tiên đón nhận Tin Mừng Phục sinh và loan báo cho các ông.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Sống Với Mẹ


Lời Chúa: Thứ năm tuần 24 thường niên
Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)

Suy niệm: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” Phúc Âm không viết thêm nhưng chắc chắn Mẹ và người môn đệ, đã cùng nhau sống qua những năm tháng đầy lo âu sợ hãi, nhưng cũng tràn ngập hy vọng mừng vui. Giáo Hội ngay từ đầu qua tông đồ Gioan, đã tiếp nhận và yêu mến Mẹ. Mẹ đã ở với Hội Thánh ngay từ điểm xuất phát của sứ vụ. Hoa Thập giá tỏa hương thơm ngát trong tình yêu thương nhiệm mầu giữa Mẹ Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài. Mỗi Kitô hữu được sinh ra và lớn lên trong mối tình yêu cao sâu đó. Hạnh phúc cho những ai biết cùng người “môn đệ Chúa yêu” “rước Mẹ về nhà mình.”

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Biểu Chứng Tình Yêu


Lời Chúa: Thứ tư tuần 24 thường niên
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy.” (Mt 3,14)

Suy niệm: Thập giá trong bối cảnh xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu là biểu tượng của án phạt ghê tởm và nhục nhã nhất đối với con người. Thế nhưng, khi Chúa đến, Người đã dùng chính hình ảnh xấu xa ấy làm nơi gởi tấm thân vô giá, biến nó trở thành Thánh giá, biểu tượng của sự sống và phúc trường sinh cho nhân loại. Nếu như thập giá tự nó là hình ảnh của sự ác, làm cho con người đau khổ thì cây Thánh Giá với hình ảnh Chúa Giêsu giang tay ra, như một lời mời gọi con người hãy đến để được ơn tha thứ, được yêu thương và hưởng hạnh phúc. Đây chính là cách thức Thiên Chúa yêu thương nhân loại, một tình yêu trung thành, tuyệt đối và vô điều kiện. Chúa yêu đến nỗi đã đi đến nỗi đau khổ tận cùng của con người để diễn tả tình yêu ấy. Qua tình yêu thập giá này, mối quan hệ mật thiết mới giữa Thiên Chúa và loài người tội lỗi được thiết lập và không bao giờ bị phá huỷ.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Thương người, thương thân


Lời Chúa: Thứ ba tuần 24 thường niên
Đức Giê-su đến gần cửa thành (Na-in), đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. (Lc 7,12)

Suy niệm: Chúa Giê-su chạnh lòng thương tình cảnh của bà góa thành Na-in. Ngài đã làm cho người con sống lại và đem trao lại cho người mẹ. Hoàn cảnh mẹ con bà góa Na-in báo trước hình ảnh của chính gia đình Ngài mai này. Đức Maria sẽ phải đau đớn nhìn người con độc nhất bị giết chết và được đem đi chôn cất thế nào. Việc phục sinh người thanh niên con của bà goá Na-in như dấu chỉ, như điềm báo về chính sự Phục Sinh của Chúa Giê-su. Ngài sẽ bị người đời giết chết nhưng Thiên Chúa sẽ cho Ngài sống lại và trao vào tận tay Mẹ của Ngài.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Thánh Hóa Trần Thế


Lời Chúa: Thứ hai tuần 24 thường niên
Viên đại đội trưởng nói: “Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,7)
Suy niệm: Quân đội đế quốc Rô-ma một thời bá chủ thế giới nhờ kỷ luật chặt chẽ theo đúng “hệ thống quân giai”. Viên đại đội trưởng này là mẫu mực cho hệ thống đó: “Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền người khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi !’ là nó đi; bảo người kia: ‘Tới !’ là nó tới.” Khi ông áp dụng trật tự đó vào việc nài xin Chúa chữa lành cho người thuộc hạ của ông: “Xin Ngài cứ nói một lời thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh,” ông đã tự đặt mình dưới quyền chỉ huy trưởng của chủ tướng Giê-su, và mặt khác, ông đã đem niềm tin Ki-tô vào trong nếp sống Rô-ma của ông, nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay, ông đã “rửa tội” cho trật tự xã hội mà ông đang sống, ông đã “mở cửa” để Đức Ki-tô vào thánh hoá những giá trị của trần thế mà ông đang theo đuổi.

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Chúa nhật 24 thường niên (A): Tha thứ

ĐTGT Ngô Quang Kiệt
Nguồn: Tinmung.net

Thánh Gandhi nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời. Kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp thiết của tha thứ.

Lời Chúa chúa nhật XXIV:"Tha thứ"

Nghe Lời Chúa Và Thực Hành


Lời Chúa: Thứ bảy tuần 23 thường niên
“Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng.” (Lc 6,49)

Suy niệm: Những thiên tai như bão lụt cũng có thể dạy ta bài học này: ngôi nhà nào càng nhiều tầng mà nền móng lại không vững chắc thì chỉ cần một cơn gió xoáy đã sụp đổ tan tành. Những cái nổi lên bên trên hay tô vẽ bên ngoài chưa hẳn là cái làm cho ngôi nhà đứng vững, nhưng chính cái nền móng vùi sâu dưới lòng đất mới là cái bảo đảm cho sự bền vững của ngôi nhà. Giữa ngôi nhà xây trên cát “không nền móng” và ngôi nhà xây trên nền đá, bề ngoài chẳng khác nhau bao nhiêu. Nhưng khi bão táp mưa sa ùa đến lúc đó mới thấy rõ. Trong đời sống thiêng liêng, người không xây dựng đời mình trên nền tảng của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì được ví như người xây nhà trên cát dù bề ngoài hào nhoáng đến đâu nhưng chỉ một đợt vần vũ của trời đất sẽ sụp đổ tan tành.

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Đọc kinh chung trong gia đình giúp xây dựng đức tin


... Chúng tôi là bậc cha mẹ trẻ của một gia đình Công Giáo Pháp. Ngay từ khi lấy nhau, cả hai vợ chồng đều thâm tín rằng trong việc giáo dục con cái, thông truyền Đức Tin là vấn đề quan trọng đầu tiên. Tuy nhiên chúng tôi không đề ra một nguyên tắc hay một quy luật nào phải theo. Chúng tôi muốn tránh một lối giáo dục khắt-khe cứng-nhắc mà chúng tôi từng có kinh nghiệm lúc tuổi còn thơ.

Tết trung thu

Trung thu là giữa mùa thu, Tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng Tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết của trẻ em.

Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

Xét Lại Chính Mình

Lời Chúa:Thứ tư tuần 23 thường niên
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6,41)

Suy niệm: Trong cả bốn sách Phúc Âm, có đôi chỗ nói Chúa Giêsu khóc (x. Lc 19,41; Ga 11,35), đôi chỗ nói Chúa vui mừng (Lc 10,21; Ga 15,11) nhưng tuyệt nhiên không có chỗ nào nói Chúa cười. Nhưng đừng vì thế mà vội cho rằng Chúa Giêsu không có óc hài hước châm biếm. Với phong cách một hoạ sĩ biếm, Chúa Giêsu đã mô tả chân dung xấu xí đến độ lố bịch của người đạo đức giả: mang cái xà to đùng chặn kín đôi mắt mà còn làm ra vẻ tinh tường săm soi cọng rác bé xíu trong mắt người anh em!
Nhận ra mình tội lỗi đã là khó, nhận ra mình giả dối còn khó gấp bội, bởi vì người đạo đức giả lại cho mình đạo đức hơn ai hết, người giả dối lại nghĩ mình trung thực không ai bằng. Chúa Giêsu khiển trách những người giả hình, giả đạo đức bằng những lời có sức đánh động như thế, may ra họ thức tỉnh và nhận ra chân tướng của mình chăng!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Để Lời Chúa Được Ứng Nghiệm

Lời Chúa:Thứ năm tuần 23 thường niên
“Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa.” (Mt 1,21-22)

Suy niệm: Phúc Âm theo thánh Mát-thêu sau các bài trình thuật, thường đúc kết bằng câu: “sự việc ấy xảy ra là để ứng nghiệm lời ngôn sứ” (x. Mt 1,22). Chương trình cứu độ của Thiên Chúa dù có bị cản trở, phá hỏng do tội lỗi con người, nhưng khi đến thời đến buổi, cũng vẫn hoàn thành như đã định từ trước muôn đời trong ý định của Ngài và được tiên báo qua lời các ngôn sứ. Nói như vậy không có nghĩa con người chỉ là những con rối trong công trình cứu độ ấy. Trái lại con người được mời gọi tham gia như cộng sự viên không thể thiếu để hoàn thành chương trình theo ý Chúa. Được mời gọi góp phần làm cho chương trình của Ngài ứng nghiệm quả là một hồng ân, vinh dự và diễm phúc. Đức Trinh Nữ Maria đứng đầu trong số những người như thế.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Sự Sống Đời Đời Là Trên Hết


Lời Chúa:Thứ tư tuần 23 thường niên
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.” (Lc 6,22)

Suy niệm: Ngày 4 tháng 8 năm 2005, một chiếc tàu ngầm Nga gặp nạn ở độ sâu 190 mét dưới lòng biển. Sau nhiều lần cân nhắc, chính phủ Nga đã lên tiếng xin các nước có khả năng giúp cứu sống 7 thuỷ thủ của họ đang mắc nạn trong tàu. Sinh mạng của các thuỷ thủ được đặt trên các lo ngại khác. Ba ngày sau, họ được cứu sống. Sự sống ở đời này còn quý vậy huống hồ sự sống đời đời. Các tín hữu thời thánh Lu-ca khốn khổ vì bị xã hội kỳ thị, tước mất quyền lợi, hành khổ chỉ vì họ là người thuộc về Giê-su Ki-tô. Càng xôn xao hơn khi có người trong cộng đoàn vì lợi lộc hay mạng sống đã phản bội và từ bỏ niềm tin vào Chúa Giê-su. Trong hoàn cảnh này, các tín hữu đã nhớ lại lời của Chúa, nhắc lời Chúa cho nhau : Có thập giá trên con đường họ đi tới là dấu chỉ chắc chắn họ đang đi đúng đường. Đành rằng phải chịu mất mát, đớn đau, nhưng sự sống đời đời với Chúa Giê-su vẫn quý hơn, được đặt trên những thiệt thòi người đời gây nên.

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (8/9)

Antôn Lương Văn Liêm
Nguồn: Tinmung.net
“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23).
Nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, dẫn dắt và tác động, Giáo hội Đông phương đã mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ từ những năm 560, đến năm 715, Giáo hội Tây phương do Đức Thánh Giáo hoàng Sergiô I thiết lập lễ sinh nhật Đức Mẹ. Thế kỷ XI, Thánh Giám mục Fulbertô có công truyền bá lễ này khi làm giám mục thành Chartres, ngài đã mừng lễ này trọng thể, sau đó lễ sinh nhật Đức Mẹ được truyền bá khắp nơi. Đức Innocentê IV khởi xướng làm tuần 8 ngày trước lễ. Đức Grêgôriô XI đặt lễ vọng và ngày chay trước lễ. Đức Thánh Piô X bỏ lễ vọng và tuần tám. Lễ Sinh nhật Đức Mẹ ngày 8-9, đúng 9 tháng sau lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8-12.

Chúa Giêsu cầu nguyện


Lời Chúa:Thứ ba tuần 23 thường niên
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Lc 6,12)

Suy niệm: Lời Chúa hôm nay cho thấy đối với Chúa Giêsu việc cầu nguyện thật quan trọng vì nó gắn liền với căn tính là Con Thiên Chúa của Ngài. Chúa Giêsu “đi ra núi cầu nguyện,” ở đó Ngài gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài trong sự thân mật riêng tư. Ngài “thức suốt đêm cầu nguyện”: khi Chúa Giêsu tâm sự với Cha của mình, thời gian như trở thành hư vô, Ngài như bước vào cõi vĩnh cửu để kết hiệp với Cha. Đêm hôm ấy Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm bởi vì Ngài sắp làm một việc vô cùng hệ trọng: ngày hôm sau Ngài sẽ chọn gọi Nhóm Mười Hai để giao phó cho họ sứ mạng qui tụ và coi sóc Hội Thánh cho đến ngày Ngài quang lâm; Ngài cầu nguyện để lĩnh ý Chúa Cha, để rồi Ngài sẽ thực hiện những gì Chúa Cha muốn, theo cách Chúa Cha định. Chả trách gì các môn đệ bị cuốn hút theo Ngài: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Vì Một Nền Văn Hóa Sự Sống


Lời Chúa: Thứ hai tuần 23 thường niên
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9) 

Suy niệm: Theo cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 nước ta đang bước vào thời kỳ tỷ lệ dân số vàng, nghĩa là cứ 2 người lao động mới phải nuôi 1 người. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có những con số biết nói khác đó là liên tiếp trong nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn luôn nằm trong “top ten” những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Theo thống kê của Uỷ ban Kế hoạch hoá gia đình, mỗi năm có khoảng 1,2-1,6 triệu ca phá thai, nghĩa là cứ một phút có 3 thai nhi bị sát hại. Hoá ra muốn xây dựng một cuộc sống phồn vinh thì người ta đã áp dụng biện pháp “giết chết thay vì cứu sống.” Chúa Giêsu thúc bách chúng ta trả lời vấn nạn đầy thách đố này: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Không thể trả lời thoả đáng nếu chỉ dừng lại ở giải pháp xã hội chính trị, trái lại, phải dựa vào thế giá của Thiên Chúa: Nếu ngày sa-bát, ngày của Chúa, phải làm điều lành thay vì điều dữ, phải cứu sống thay vì giết chết, thì điều đó nói lên rằng đó là một mệnh lệnh tuyệt đối, phải tuân thủ cách vô điều kiện, vì nó đụng chạm đến chính Thiên Chúa.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Lời Chúa chúa nhật XXIII:"Có Thầy ở giữa họ"



Chúa nhật 23 thường niên (A): Sửa lỗi anh em

Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.
Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.

Tại sao không

Lời Chúa: Thứ bảy tuần 22 thường niên
 “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sa-bát?” (Lc 6,2)
Suy niệm: Nguyên nhân ban đầu của ngày Sa-bát hoàn toàn mang tính nhân đạo, nó cho phép con người nghỉ ngơi để dưỡng sức (Xh 23,12). Vì thế ngày Sa-bát được tạo ra vì con người; nhưng dần dà những nhà thông luật Ít-ra-en đã ‘tán’ luật nghỉ ngày Sa-bát thành nhiều điều cấm và thay vì nghỉ ngơi, cho ngày Sa-bát trở nên gánh nặng, khiến con người trở thành nô lệ cho ngày hưu lễ. Chúa Giê-su đòi chúng ta phải thay đổi não trạng này: trong khi những người Pha-ri-sêu quan tâm tới những điều không được phép làm, thì Chúa Giê-su chú ý đến việc cần làm trong ngày Sa-bát. Chúa Giê-su đến để kiện toàn lề luật: Ngài không bảo chúng ta dừng lại ở chỗ “đừng làm” điều này điều kia; trái lại Ngài kêu gọi “hãy làm” để chúng ta đi xa hơn, cao hơn và đạt đến sự trọn hảo của tình yêu: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31).

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Ăn Chay Vì Chàng Rể


Lời Chúa: Thứ sáu tuần 22 thường niên
“Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Lc 5,34)

Suy niệm: Những năm gần đây, các quán cơm chay mọc lên ngày càng nhiều; nhưng không phải tất cả các thực khách của chúng đều là những người sùng Phật mộ đạo, mà bên cạnh đó là những người theo đuổi một chế độ ăn kiêng vì nỗi lo mắc những chứng bệnh do ăn uống quá độ. Người ta ăn chay để tránh đi những thứ bệnh hoạn, và đó cũng là một trong những cách thay đổi đời sống. Chúa Giêsu kêu gọi ăn chay vì lý do tôn giáo: Ăn chay là để diễn tả mối tương quan của con người với Thiên Chúa, để nói lên nỗi day dứt khi phải thiếu vắng Chúa, và niềm khao khát muốn được kết hợp sâu xa với Ngài: “Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay” (Lc 5,35).

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Vâng lời Thầy Con thả lưới


Lời Chúa: Thứ năm tuần 22 thường niên
“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc5,5)

Suy niệm: Qua sự kiện mẻ cá lạ lùng, Đức Giêsu dẫn chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Người ngư phủ lão luyện là Phêrô lại vâng lời một bác thợ mộc để thả lưới dù suốt đêm hôm trước vất vả chẳng bắt được gì. Lạ hơn nữa là việc Phêrô vâng lời Thầy thả lưới đã đem lại kết quả nằm mơ cũng không thấy: cá nhiều đến nỗi lưới hầu như rách, hai chiếc thuyền đầy khẳm muốn chìm. Không chỉ dừng lại ở sự kiện lạ lùng đó, Ngài muốn đưa Phêrô và các môn đệ đi xa hơn nữa, đó là Ngài muốn các ông đi “thả lưới bắt các linh hồn”. Lời đầy quyền năng của Đức Kitô không chỉ làm các môn sinh “tâm phục khẩu phục” mà vâng lời Thầy một cách hoàn toàn tin tưởng phó thác, mà còn đi xa hơn, vượt lên trên những giới hạn của trần thế này để đáp lại những đòi hỏi của Nước Trời.