Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

SỰ CẦN THIẾT CỦA CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là vấn đề mang tính thực tiễn và luôn luôn mới mẻ. Bởi nó phản ánh chiều kích thâm sâu đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu qua từng cung bậc của cuộc sống. Vậy, cầu nguyện là gì? Cầu nguyện có tương quan và ý nghĩa như thế nào đối với những người sống đời dâng hiến?

Chúng ta đã nghe nói nhiều về cầu nguyện, đã từng cầu nguyện và có thể đã cầu nguyện nhiều, nhưng thật khó để đưa ra một định nghĩa cụ thể. Thực sự có nhiều người cầu nguyện liên lỉ và có thể là cả chúng ta nữa, nhưng lại rất khó để hiểu cầu nguyện là gì? Từ thực tế này, có thể khẳng định rằng, cầu nguyện là vấn đề thuộc tâm tư riêng của từng cá nhân. Nó phản ảnh nỗi lòng, tâm tư hay kinh nghiệm của từng người. Vậy nên, không thể đưa ra được định nghĩa, cũng không thể là mẫu số chung cho mọi người.

Theo thánh Augustinô, cầu nguyện là ý hướng yêu mến của lý trí đưa về cùng Thiên Chúa; với thánh Đa Minh, cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa như người cha kính mến; thánh Têrêsa Hài Đồng thì cho rằng, đối với tôi, cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng về trời, đó là một tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui.

Kinh nghiệm của các thánh nhân cho thấy rõ hơn vấn đề cầu nguyện và thực chất của việc cầu nguyện là gì. Có lẽ là không quan trọng khi phải đưa ra một khái niệm cụ thể về cầu nguyện. Nhưng điểm cốt yếu là phải hiểu cách nào, phương thế nào gặp được Chúa trong lúc cầu nguyện để ý thức được ý nghĩa cao cả của việc cầu nguyện. Từ đó có thể nhận được ơn Chúa thông ban qua việc cầu nguyện. Cho đến nay, cách hiểu thông thường nhất, cầu nguyện chính là tạ ơn, ca tụng và cầu xin. Với nghĩa như vậy, cầu nguyện là vấn đề quan trọng đối với mỗi người Kitô hữu, và được ví như hơi thở cần cho sự sống của con người. Đây là cách so sánh có phần ví von, nhưng cho thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện đối với đời sống người Kitô hữu. Con người không thể sống nếu không được hít thở; cũng không thể khỏe mạnh nếu hít thở không đều. Đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu không thể triển nở nếu không được bổ sức từ cầu nguyện. Hơn nữa, tâm hồn người tín hữu sẽ bị héo dần nếu không được hút lực sống nơi Chúa qua cầu nguyện. Vậy, cầu nguyện là hết sức cần thiết đối với mỗi người Kitô hữu. Cầu nguyện không chỉ là để tỏ lộ tâm tình tạ ơn Chúa, mà còn được kín múc nguồn ân sủng, sức mạnh, sự đỡ nâng của Chúa để con người có thể tiến bước trên hành trình đức tin.

Cầu nguyện cần thiết đối với người Kitô hữu, nhưng còn cần hơn đối với những người dấn thân trong ơn gọi dâng hiến. Sở dĩ là cần hơn, vì những người sống đời dâng hiến phải hoàn trọn cuộc đời mình giữa dòng đời. Vậy nên cần phải có ơn Chúa đỡ nâng để có thể đứng vững giữa muôn vàn thách đố, đồng thời để thực hiện sống động tôn chỉ sống cho, sống với và cùng tha nhân. Để hoàn trọn ơn gọi, người sống đời dâng hiến phải được bồi dưỡng về đời sống tâm linh và luôn đặt việc bồi dưỡng đời sống tâm linh làm trọng tâm và hàng đầu. Ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện đối với người sống đời dâng hiến, Tông huấn về đời sống Thánh hiến số 103 ghi rõ: “Mỗi người thánh hiến phải hình thành con đường nội tâm, không tìm cách thoát ra ngoài lịch sử và cũng không thu lại chính mình. Khi chăm chú lắng nghe và tuân hành Lời Chúa được Giáo Hội bảo vệ và giải thích, người tận hiến cho thấy Đức Kitô mà họ yêu mến trên hết mọi sự và nơi mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, điều mà lòng người mong muốn sâu xa nhất đã được đáp ứng và mong mọi cuộc hành trình tôn giáo chân thành hướng về cõi siêu việt đã tìm được đích điểm”. Những lời dạy trên cho thấy tầm quan trọng và vai trò của việc cầu nguyện đối với người sống thánh hiến là thế nào. Mỗi người phải tự hình thành cho mình một con đường nội tâm; một đời sống cầu nguyện và gặp gỡ Chúa thâm sâu. Qua đó người ta có thể kín múc được nguồn trợ lực từ nơi Chúa và đặt Chúa làm trọng tâm và khởi điểm cho đời sống của mình.

Đời sống thánh hiến thực chất là dâng hiến và phục vụ. Để lý tưởng ấy trở thành hiện thực và hoàn trọn, cần phải cầu nguyện. Bởi sống đời thánh hiến mà không cầu nguyện hay không tìm được con đường nội tâm, thì chẳng có ý nghĩa gì và cũng có thể chẳng bao giờ đạt được mục đích. Ý thức được điều này, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình”. Điều này cho thấy cầu nguyện cần thiết như thế nào đối với người dấn thân trong đời tu. “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa”. Vậy, ý nghĩa của đời tu là gì nếu không phải là để đáp lại tình yêu? Không phải là để tìm gặp Chúa? Hay nếu không phải là để hiến thân phục vụ vì danh Đức Kitô? Vì vậy, đời sống thánh hiến thực sự là thánh hiến; đời tu thực sự có ý nghĩa khi được gắn liền với đời sống cầu nguyện. Điều này cũng nói lên căn tính của đời tu. Nghĩa là đời tu được định hình nhờ vào việc cầu nguyện; đời thánh hiến được hoàn trọn và có ý nghĩa khi gắn liền với đời sống cầu nguyện.
Cầu nguyện mở lối cho hoạt động tông đồ. Nhiều lúc người ta quá thiên về bề nổi của hoạt động và phục vụ tông đồ. Thậm chí còn đặt vấn đề hoạt động hơn là đời sống nội tâm; xem hoạt động là chính còn cầu nguyện là vấn đề phụ và thứ yếu. Hay người ta chú trọng những thành công bên ngoài hơn những giờ chầu, giờ lễ, suy niệm và ở lại bên Chúa. Đây là một vấn nạn cho đời sống dâng hiến trong thời đại hôm nay khi mà người ta quá chú trọng đến thành công trong công việc hay lấy thành tích làm tiêu chí. Nhưng cầu nguyện lại tối cần thiết cho việc dấn thân phục vụ. Người ta không thể hiến thân nếu không có cầu nguyện; không thể phục vụ nếu không được đặt nền tảng từ việc cầu nguyện. Thậm chí phục vụ chẳng mang lại ý nghĩa gì nếu không được khởi đi từ cầu nguyện. Cuộc đời Mẹ Têrêsa Calcutta là một minh chứng sống động cho thực tế này. Mẹ đã tâm niệm rằng: “Thật không thể nào dấn thân trong việc tông đồ nếu không có tâm hồn sống trong cầu nguyện. Chúng ta cần phải cảm nghiệm được sự hiệp nhất với Chúa Kitô, như Chúa Kitô cảm nghiệm sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha. Hành động của chúng ta thực sự là hoạt động tông đồ chỉ khi nào chúng ta cho phép và trong mức độ chúng ta cho phép Chúa Kitô hoạt động trong chúng ta”. Đây là kinh nghiệm mà Mẹ đã rút tỉa được từ thực tế cuộc sống hiến thân của mình. Thật không dễ để phục vụ nếu không có được sức mạnh và ân sủng từ nơi Chúa. Không có tâm hồn sống trong cầu nguyện, không thể dấn thân được. Làm gì có sự trao ban, sẻ chia nếu như không cảm nghiệm được tình thương của Chúa đã dành cho mình. Cũng chẳng thuận lợi để gặp Chúa nơi người khác nếu như không có kinh nghiệm về gặp gỡ Chúa trong suy tư, trong chiêm niêm và cầu nguyện. Và cũng không thể xoa dịu nỗi đau của người khác nếu như không có được một sự cảm nghiệm về Chúa đã bị đau cho mình thế nào. Đó là một thực tế, vì ngãn ngữ La-tin đã từng nói người ta không thể cho người khác điều mà mình không có. Hơn nữa, hoạt động tông đồ chỉ có nghĩa là tông đồ khi có Chúa Kitô cùng đồng hành. Nghĩa là hoạt động làm sao mà không đi ra ngoài ý muốn của Chúa. Nhiều khi người ta cũng thực hiện sứ vụ này, công việc nọ, nhưng khó mà nhận ra được đâu là ý Chúa và đâu là ý của con người. Vì vậy để tìm ra ý Chúa trong hoạt động và những công việc đó là làm vinh danh Chúa thì chỉ có cầu nguyện mà thôi.

Cầu nguyện luôn là ưu tiên hàng đầu đối với người sống đời dâng hiến. Cầu nguyện rồi mới đến hoạt động; cầu nguyện liên kết chặt chẽ với hoạt động; cầu nguyện là thêm sức mạnh để hoạt động. Bên cạnh đó cầu nguyện để con ngươi ta ý thức được mình hoạt động với Chúa và vì danh Chúa. Mặt khác cầu nguyện là để ý thức được con người mình chỉ là yếu đuối, là hư vô, nên cần đến sức mạnh và sự đỡ nâng của Chúa. Hơn nữa cầu nguyện là để con người ý thức được rằng tất cả thành công mà người ta có được nhờ ơn Chúa giúp, chứ không phải do sức riêng của mình. Ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện với hoạt động tôn đồ, trong cuốn Đường Hy vọng Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Cầu nguyện phải là ưu tiên hàng đầu: thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động”. Nhận định này cho thấy, cầu nguyện luôn được xem là trọng tâm. Cầu nguyện phải được ưu tiên và quan tâm hàng đầu; thứ đến là hy sinh và hoạt động là sau cùng. Sự ưu tiên này cho thấy móc xích với nhau: Cầu nguyện rồi đến hy sinh, nhưng muốn sống đời hy sinh được, buộc phải cầu nguyện; hy sinh là để phục vụ, nhưng không thể phuc vụ nếu không sống tinh thần hy sinh. Từ móc xích này cho thấy cầu nguyện mang ý nghĩa như thế nào. Thực sự người sống đời dâng hiến nếu đi ra ngoài móc xích này, không còn ý nghĩa gì.

Ngày nay chúng ta đang nói nhiều về việc canh tân Giáo Hội; hay là tân Phúc Âm hóa. Có thể dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhiều vấn đề được đặt ra, nhiều ưu tư được hướng tới. Nhưng một vấn đề cũng cần được quan tâm đó là đời sống nội tâm, đặc biệt là sống đời nội tâm của những người sống đời dâng hiến. Vì dù có thực hiện chương trình gì, hay cách thức nào đi nữa cũng phải khởi đi từ Đức Kitô.

Những phân tích và nhận định trên cho thấy cầu nguyện là vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi người Kitô hữu và đặc biệt là những người sống đời dâng hiến. Con người chúng ta không thể sống nếu không hít thở, tâm hồn cũng sẽ héo khô nếu không cầu nguyện. Đời sống hiến thân là một đời sống tạ ơn và cầu nguyện. Bởi cầu nguyện làm nên căn tính người tu sĩ; cầu nguyện định hình người tu sĩ. Để hiến thân và phục vụ vì danh Chúa, cần có tâm hồn sống đời cầu nguyện.
Gioan.B Nguyễn Văn Hường
(Nội san TTHV Đaminh số 16)



Nguồn: daminhvn.net

0 nhận xét: