Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Không Mong Chờ Đáp Lễ


“Họ không có gì đáp lễ, và như thế, anh mới thật là có phúc: vì sẽ được đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại.” (Lc 14,14)

Suy niệm: “Cho người có lòng biết ơn là một cách cho vay” (Ngạn ngữ Anh). Người “có lòng biết ơn” phải lo đáp lễ những gì họ đã nhận được mỗi khi có dịp thuận tiện. Họ đáp lễ bằng hiện kim, hiện vật, tình cảm hay bất cứ món quà nào tương xứng. Đức Giêsu mời gọi ta vượt lên trên những tính toán tự nhiên, dẹp bỏ thói quen “cho vay” trá hình này, để tiến một bước thật xa: sống tinh thần vô cầu của người con cái Chúa. Người công dân trong Nước Thiên Chúa phải chấp nhận một quy luật khác thường: Ai cho để mong được đáp lễ sẽ không được phần thưởng đáp lễ nào; trái lại, ai cho nhưng không nghĩ đến việc đáp lễ, chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng từ Thiên Chúa.

Mời Bạn: Thiên Chúa ban tặng, cho đi chỉ vì một động lực duy nhất: Ngài yêu con người. Đó là cách cho tốt nhất và đích thật. Mời bạn thanh luyện động lực cho, ban tặng của mình, để chuyện đáp lễ dưới mọi hình thức không còn trong thói quen “lập trình” sẵn của bạn. Bạn có thể bắt đầu từ hôm nay, được không?

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Lời Chúa chúa nhật XXXI:"Họ Nói Mà Không Làm"

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Đến Với Chúa từng phút giây


Lời Chúa thứ sáu tuần 30 thường niên
Đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem… đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. (Lc 6,17-18)

Suy niệm: Người ta nghĩ rằng lúc cuộc đời mình gặp hạnh phúc là lúc ta dễ gặp Chúa vì Chúa ở với ta, còn khi bất hạnh thì khó thấy Ngài vì Ngài bỏ ta. Không! Tình yêu Thiên Chúa bao trùm mọi tạo vật, thấm nhập cuộc sống con người. Tình yêu ấy như không khí mà chúng ta hít thở từng phút giây, như ánh sáng chiếu soi ban ngày, soi tỏ ban đêm. Hơn thế nữa, Chúa đã xuống thế làm người để hòa nhịp vào từng con tim, cùng chung chia cuộc sống với con người, và để xoa dịu nỗi đau tinh thần cũng như thể xác. Cho nên, nếu khiêm tốn tìm đến Chúa, nghe và tin vào Lời Ngài giảng dạy, chúng ta sẽ nhận được nhiều ơn lành như các môn đệ và đoàn lũ dân chúng trong Tin Mừng hôm nay vậy.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Tình Thương Bị Chối Từ

Lời Chúa thứ năm tuần 30 thường niên
“Đã bao lần ta muốn tập họp các ngươi lại, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)

Suy niệm: Nghe những lời trên đây, bạn có cảm nhận được tâm trạng não nề thống thiết của Chúa Giêsu không? Ngài sinh xuống trần gian để thực hiện ý định của Thiên Chúa là muốn họ được hạnh phúc vĩnh cửu (cf. Ga 6,40) vì chỉ có Chúa mới làm thỏa mãn mọi khát vọng sâu xa của con người. Thế nhưng, than ôi! con người đã bao lần khước từ điều này! Chúa mượn hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh nhưng gà con ương ngạnh không chịu. Chúa đành để mặc con người làm theo ý họ. Lời Chúa cho thấy có hai ý muốn đối nghịch nhau: ý con người đối nghịch với ý Chúa. Ý con người thường gian tà, độc ác, như Hêrôđê muốn giết Chúa, Biệt phái tìm cách loại trừ Chúa, người Do thái giết các ngôn sứ... Còn ý Chúa thì luôn tốt lành, bao dung, như Chúa Giêsu đã thể hiện qua việc trừ quỷ, chữa bệnh, khẳng khái trước bạo lực, đón nhận thập giá để cứu chuộc muôn người.

Mời Bạn: Hẳn bạn đã từng cảm nghiệm sự giằng co khi phải cân nhắc chọn lựa giữa ý Chúa và ý mình. Hay thường gặp hơn, lắm khi bạn đang làm theo ý mình mà cứ tưởng là ý Chúa. Có phải khi bạn chọn ý Chúa thì sau đó tâm hồn bạn bình an, vui sướng; còn sau khi làm theo ý mình thì bạn thấy bứt rứt, ân hận?

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Giờ Đã Điểm

Lời Chúa thứ tư tuần 30 thường niên
“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.” (Lc 13,27)

Suy niệm: Ông chủ trong dụ ngôn quả là phũ phàng: đã không thèm nhìn mặt lại còn chửi rủa thậm tệ những người đã từng đồng bàn ăn uống với ông. Mà ông làm thế chỉ vì một lý do xem ra rất cỏn con: Họ đã không vào đúng cửa – cánh cửa hẹp – và hơn nữa, họ đã không đến đúng giờ. Thế nhưng, sự bất thường trong dụ ngôn lại là điều Chúa muốn nhấn mạnh: Lời Chúa không chấp nhận một một trạng thái bình bình, “không nóng không lạnh”, hay khoan giãn, khất lần khất lữa. Quả thật, Thiên Chúa nhẫn nại để cả cỏ lùng lẫn lúa mọc lên “đợi cho đến mùa gặt”, nhưng một khi “giờ đã điểm”, cửa phòng tiệc đã đóng thì không mở ra nữa.

Mời Bạn: Có những người nghĩ rằng họ đã được rửa tội, có tên trong sổ gia đình Công giáo, được gọi là “có đạo”, như thế đã là đủ rồi. Người đó có thể đang hưởng nhờ các ơn ích từ cộng đoàn từ những người đi trước, nhưng chính mình lại không góp phần xây dựng cộng đoàn mình đang sống. Thiên Chúa đã ban cho họ nhiều đặc ân và cơ hội, nhưng họ đã sống thờ ơ và lãng phí. Thế rồi khi giờ của họ đã điểm, họ lại bị lọt sổ, bị loại ra ngoài. Bạn có ở trong số này không?

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Cho Cả Khối Bột Dậy Men

Lời Chúa thứ ba tuần 30 thường niên

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)
Suy niệm: Văn hào André Malraux là tác giả của câu nói thời danh: “Thế kỷ XXI sẽ là tôn giáo hoặc sẽ chẳng là gì cả.” Lời tiên báo này ám chỉ về cuộc song đấu gay gắt được trào lưu thế tục dựng lên nhằm loại trừ tôn giáo ra khỏi xã hội loài người. Nói cách khác, nhiều người muốn Thiên Chúa di cư ra khỏi cuộc sống của họ. Còn Thiên Chúa, ngược lại, cứ đeo đuổi con người. Ngài đã đặt Nước Thiên Chúa vào tận nơi sâu thẳm lòng người, để con người dù nghiêng về vật chất, nhưng cũng được thu hút về Thiên Chúa, lớn lên trong thời gian, nhưng hít thở được không khí đời đời, liên quan đến tự nhiên và thế gian, nhưng cũng siêu việt nhờ có khả năng và tự do kết hợp với Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa như men được vùi trong con người và thế giới, đang tác động cho đến khi biến đổi hoàn toàn con người và thế giới này.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Là Con Cháu Apraham


Thứ hai tuần 30 thường niên
“Bà này là con cháu Ápraham, bà ấy bị Xatan trói buộc mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabát sao?” (Lc 13,16)

Suy niệm: Là sinh vật cao quý nhất trong muôn loài Chúa dựng nên, con người được ban tặng một phẩm giá cao cả, không thụ tạo nào có được. Phẩm giá ấy không suy giảm, triệt tiêu do bệnh tật hay nghèo đói. Cũng vậy, phẩm giá của người đàn bà trong bài Tin Mừng không bị suy giảm do bệnh còng lưng. Trái lại, phẩm giá ấy càng được nâng cao vì bà là con cháu của Ápraham, nghĩa là người con của lời hứa cứu độ. Nếu nhìn nhận phẩm giá của bà như thế, chắc ông trưởng hội đường đã không tức tối vì phép lạ Chúa Giêsu làm. Ông biết con bò, con lừa còn được cho uống nước ngày Sabát, lẽ nào người tàn tật đã mười tám năm lại không đáng được thương xót?

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Sinh Trái Thơm Ngọt Cho Đời

Lời Chúa thứ bảy tuần 29 thường niên
“Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa… May ra sang năm nó có trái...” (Lc 13,8-9)
Suy niệm: Người ta trồng cây vả để hái trái, chứ không phải “hái” lá! Cây vả này lại được trồng trong vườn nho, nghĩa là có được một chỗ ưu tiên, nhằm sản sinh trái ngọt, chứ không phải để mọc lá xanh xum xuê. Cây vả trên đây là hình ảnh những người Kitô hữu sống an phận, chỉ bằng lòng với việc đọc kinh, dự lễ, thiếu những hoa thơm trái ngọt của Thánh Thần như “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ"(Gl 5,22-23). Một cây vả không ra trái –là cây vả “đực” theo kiểu nói dân gian- thông thường chủ vườn sẽ cho chặt, do sự cằn cỗi của nó. Trái lại, nếu cây đời của người Kitô hữu cằn cỗi, Đức Giêsu, người làm vườn kiên nhẫn, sẽ tăng thêm những chăm sóc đặc biệt để cây đời của họ sinh sản trái thơm ngọt.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Khôn ngoan nhận định


Lời Chúa thứ sáu tuần 29 thường niên
“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? (Lc 12,57)
Suy niệm: Hồi giữa tháng 5 năm 2006, siêu bão Chanchu tràn vào Biển Đông với sức gió lúc mạnh nhất lên tới 250 km/giờ. Do dự báo sai về đường đi của bão mà thảm hoạ xảy ra: hàng chục tàu đánh cá Việt Nam bị chìm và hàng trăm ngư dân thiệt mạng vì tránh vào đúng ngay đường đi của cơn bão. Nói chung, trong mọi lãnh vực, công việc xem xét, dự báo là hết sức cần thiết: để điều trị một căn bệnh, cần chẩn đoán xét nghiệm, muốn đầu tư kinh doanh phải nghiên cứu kỹ thị trường. Công việc khảo sát dự báo nếu bị bỏ qua hoặc sai lệch sẽ dẫn đến nguy cơ thất bại hoặc gây ra tai hoạ, hậu quả khôn lường. Cũng vậy, việc sống đức tin và loan báo Tin Mừng, để được đúng hướng, cần bao gồm việc nghiêm túc XEM và XÉT các ‘dấu chỉ của thời đại’, chứ không thể chỉ nhắm mắt chúi mũi LÀM! Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: “Sao các người không tự mình xem xét cái gì là phải?”

Mời Bạn: Mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống đều có chuyển tải những thông điệp của Chúa. Chúng ta cần phải khôn ngoan nhận định để biết đâu là điều Thiên Chúa muốn cho mình, trong những chọn lựa hằng ngày và nhất là khi phải đưa ra những quyết định quan trọng. Và để chọn lựa đúng thánh ý Chúa, ta cần có sự bình tâm.

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm gì về việc áp dụng phương pháp Xem-Xét-Làm?

Sống Lời Chúa: Nhìn mọi biến cố trong đời sống với cái nhìn của Chúa. Siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống có bao điều con phải cân nhắc và chọn lựa. Xin cho con luôn biết khôn ngoan nhận định, luôn đủ quảng đại và dũng cảm để chọn lựa những gì đẹp lòng Chúa.
Nhóm Biên Soạn suy niệm Lời Chúa

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Phải Chi Lửa Ấy Bùng Lên


Lời Chúa thứ năm tuần 29 thường niên
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49)

Suy niệm: Làm người ai cũng có ước mơ, ước mơ cho bản thân, gia đình, thế giới. Ước mơ trở thành bác sĩ, luật sư để chữa bệnh, bênh vực cho người nghèo. Ước mơ được nổi tiếng, xinh đẹp, yêu mến. Đức Giêsu cũng có ước mơ, một ước mơ nồng cháy, được Ngài ôm ấp cả cuộc đời. Ước mơ ấy được Ngài thổ lộ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy đã ném lửa… ước mong… cháy bùng lên.” Ngọn lửa trong ước mơ của Đức Giêsu là ngọn lửa yêu mến của Thánh Thần. Ngọn lửa ấy trước hết đã cháy bùng nơi Trái Tim Đức Giêsu, thúc đẩy Ngài dấn thân trọn vẹn cho Chúa Cha và nhân loại. Ngọn lửa cũng đã bùng cháy nơi tâm hồn các môn đệ, thanh tẩy và đổi mới, làm tan chảy lòng ích kỷ, sưởi ấm trái tim băng giá thành trái tim nhiệt thành cho lửa Tin Mừng.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Sẵn Sàng Chờ ...Để Gặp Gỡ

Lời Chúa thứ tư tuần 29 thường niên
“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,40)

Suy niệm: Đối với người tin, cuộc sống được ghi nhớ, đánh dấu qua những cuộc “viếng thăm,” “can thiệp” của Thiên Chúa vào những ngày giờ, những khoảnh khắc đặc biệt: Chúa đã đến, Ngài đang đến khong ngừng, và Ngài sẽ đến để phán xét và cứu rỗi thế gian. Tha thiết chờ đợi ngày Chúa trở lại lần cuối cách hữu hình, các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã khẩn khoản nài xin: “Maranatha!” “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (1 Cr 16,22; Kh 22,17.22). Tâm tình chờ mong này cũng thường xuyên được các tín hữu bày tỏ trong lời kinh nguyện Thánh Thể: “Chúng con chờ ngày Chúa đến trong vinh quang… Chúng con mong chờ ngày Chúa đến, xin Ngài hãy đến!”

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Nhu cầu khẩn thiết

Lời Chúa thứ ba tuần 29 thường niên
“Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10,2)
Suy niệm: Một trong bốn đặc tính chính của Giáo Hội là tính phổ quát. Thế nhưng, đặc tính này chưa được thể hiện rõ nét trong thế giới hôm nay. Hiện tại Người Công giáo chỉ chiếm 17,2% trên toàn thế giới; Châu Á dừng lại ở mức 2,9%, riêng nước Việt Nam là 6,87%. Như vậy, cánh đồng truyền giáo vẫn mãi bao la. Nhu cầu truyền giáo vẫn luôn là NHU CẦU KHẨN THIẾT và phải là ưu tư số một của Giáo Hội, cũng như của từng người tín hữu. Khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ và ngày nay cho từng người tín hữu. Bổn phận này ta được trao phó khi lãnh nhận bí tích rửa tội và được củng cố trong bí tích thêm sức.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng

Thánh Luca được xem như tác giả quyển Phúc Âm thứ ba và quyển Công Vụ Tông Đồ. Theo truyền thống, ngài được sinh ra ở Antiochia, xứ Syrie trong một gia đình ngoại giáo. Theo Cl 4,14 ngài là lương y và đã chữa bệnh cho thánh Phaolô.

Về Phúc Âm, ngài lấy Phúc Âm thánh Máccô làm nền và sử dụng nhiều lưu truyền theo những nguồn gốc khác, nhưng tổng thể đều bị ảnh hưởng lấy con người của ngài.
Ngài nhấn mạnh đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Giêsu đối với người nghèo và tội nhân. Luca cũng nói về cầu nguyện và Chúa Thánh Thần nhiều hơn Mátthêu.

Sự Giàu Có Nào Là Bảo Đảm ?

Lời Chúa thứ hai tuần 29 thường niên

“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)

Suy niệm: Khi mức sống càng cao thì tuổi thọ con người cũng tăng theo. Sống thọ hơn không có nghĩa là sẽ không chết, vì dù giàu hay nghèo, sự chết vẫn là điểm hẹn cuối cùng. Cuộc sống quanh ta cho thấy người giàu cũng chết, có khi còn chết tức tưởi và thê thảm nữa. Vậy điều gì bảo đảm cho cuộc sống? Lời Chúa hôm nay dạy ta phải “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (câu 21), thì dù có chết cũng được đảm bảo cho sự sống đời sau. Nói cách khác là biết khôn khéo dùng của cải đời này để đổi lấy hạnh phúc đời sau; thay vì tích trữ cho nhiều để hưởng thụ mà quên đi việc làm phúc, chia sẻ với người khác. Chính quan niệm về của cải sẽ quyết định cách thu tích và sử dụng của cải.

Lời Chúa chúa nhật XXIX:"Trả về Chúa Những gì thuộc về Chúa"

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Xưng Danh Chúa Ra

Lời Chúa thứ bảy tuần 28 thường niên
“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)
Suy niệm: Ở một thời mà nhiều Kitô hữu lớn tuổi ghi trong lý lịch là ‘không tôn giáo’ thì đã có một em bé trong lớp mầm non tới bữa ăn lớn tiếng bảo các bạn trước sự ngỡ ngàng của cô giáo: “Các bạn phải làm dấu rồi mới ăn cơm nhé!” Hành vi đơn sơ này là một bài học cho người lớn về bổn phận phải tuyên xưng danh Chúa ra trước mặt mọi người. Đức tin là một ân huệ Chúa ban và phải được san sẻ; Đức Kitô cần phải được nhiều người biết đến để tiếp nhận sự sống và chân lý của Ngài. Chính vì thế, nhiệm vụ truyền giáo bắt buộc Kitô hữu phải sẵn sàng xưng danh Chúa ra và mạnh dạn xưng mình là người ‘có đạo’.
Mời Bạn: Hiểu rộng ra, chúng ta tin nhận Chúa Giêsu khi sống theo giới răn Chúa dạy, lên tiếng cho sự thật, bảo vệ công lý, bảo vệ sự sống, giúp đỡ người túng thiếu. Và suy cho cùng, thiếu nhi bỏ học giáo lý hay lễ chủ nhật để đi học thêm một vài tiết học cũng là một cách phủ nhận tư cách Kitô hữu của mình.
Chia sẻ: Chúng tôi làm gì trước những áp bức bất công, nạo phá thai, tham nhũng, dối trá? Im lặng đồng lõa, cho là đương nhiên hay lên tiếng phản kháng?
Sống Lời Chúa: Tôi coi là ân phúc mỗi khi có dịp chia sẻ niềm tin cho anh chị em lương dân, khi đồng hành với người muốn tìm hiểu đạo Chúa, khi chăm lo đức tin anh chị em dự tòng.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho bao nhiêu đắn đo, ngập ngừng, hèn nhát và bao nhiều lần con từ chối yêu thương. Xin giúp con chấp nhận mình và làm điều Chúa muốn với tất cả những phương tiện Chúa ban cho con và tất cả những gì Chúa làm trong con.” (Claude)
Nhóm Biên Soạn suy niệm Lời Chúa

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Đừng Cố Chấp Trong Tội !

Lời Chúa thứ năm tuần 28
Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng. (Lc 11,53-54)

Suy niệm: Chúa Giêsu đã không ngần ngại khiển trách mạnh mẽ những vị được coi là đạo đức và là thầy dạy của người Do thái. Tuy nhiên, trước những lời khiển trách này con tim cứng cỏi của họ vẫn không lay động. Trái lại, họ lại càng lún sâu hơn vào đường sai trái khi hợp mưu với nhau để tấn công, tìm cách bắt bẻ Ngài. Trái với người phục thiện khiêm tốn nhận ra điều sai lỗi của mình và sửa chữa, kẻ cố chấp trong tội lỗi lại bới lông tìm vết nơi người khác để khoả lấp những lầm lạc sai trái của mình.

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Để Tình Yêu Nên Trọn

Lời Chúa thứ tư tuần 28 thường niên
“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.” (Lc 11,42)
Suy niệm: Quyền làm người được thế giới chú ý nhiều, đặc biệt trong thời gian gần đây. Không chỉ hô hào trong các hội nghị quốc tế và quốc gia, người ta còn dồn nhiều nỗ lực và tiêu tốn nhiều tiền của để vận động mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, ý thức về quyền sống, quyền làm người của mọi con người. Chẳng hạn, những nạn nhân nhiễm chất độc da cam phải được hưởng mọi quyền lợi như bao con người khác. Rất đáng mừng! Tuy nhiên, việc tôn trọng quyền sống và lẽ công bằng đối với thai nhi đang bị xâm phạm nặng. Để giết một con người trong bụng mẹ, người ta đã ngụy trang hành động man rợ đó bằng một mỹ từ: “đình chỉ thai nhi.” “Đình chỉ” như thế thực chất là giết người, là xúc phạm Thiên Chúa, là tước đoạt quyền sống của con người không có khả năng tự bảo vệ, là hành động dã man không chỉ của những tác nhân bên ngoài, mà trước hết là của cha mẹ, những người quyết định giết con mình. “Đừng giết người” (Xh 20,13). Thiên Chúa phán như thế. Vì thế, điều phải làm là cổ xúy quyền làm người, đồng thời tôn trọng và bảo vệ quyền ra đời của các thai nhi.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Đẹp Từ Trong Ra Ngoài

Lời Chúa thứ ba tuần 28 thường niên


“Đức Giêsu nói: “ Các ông bên ngoài chén đĩa, thì các ông rửa sạch, nhưng bên trong các ông thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?” ( Lc 11,39-40)

Suy niệm:
Ca dao có câu: “Sông sâu còn có kẻ dò, nào ai bẻ thước mà đo lòng người”. Quả thật, người ta có thể đo đạc được biển sâu, núi cao, đo cả đến những vì sao xa lắc xa lơ; thế nhưng lòng người thì không có thứ máy móc chuyên dụng nào có thể đo được. Lòng người thật bí hiểm và rắc rối, khôn dò. Vì thế, đã có lắm trường hợp vì cả tin mà phải thiệt của, hay thậm chí thiệt thân. Thế nhưng, người ta quên rằng có một Đấng đo được lòng người, dù nó được ngụy trang khéo léo đến đâu, Đấng ấy là Thiên Chúa. Đức Giêsu nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm can, và Ngài muốn ta, bên cạnh việc cố gắng làm đẹp phong cách bên ngoài, cũng hãy thanh tẩy tâm hồn bên trong khỏi những tư tưởng ô uế, gian tà.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Dấu Lạ Duy Nhất Là Chính Chúa Giêsu

Lời Chúa thứ hai tuần 28 thường niên

“…vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 11,32)

Suy niệm: Có nhiều người, nghe đồn thổi nơi đâu có chuyện kỳ lạ, thì lập tức đổ xô tìm đến, nhất nữa là khi tính hiếu kỳ được tiếp sức bởi đầu óc vụ lợi: chẳng hạn chỗ này có cái giếng nước thần uống vào chữa được bá bệnh, chỗ kia có ngôi đền rất thiêng khấn gì được nấy. Dân Do-thái xưa cũng không khác gì với con người ngày nay, họ yêu cầu Chúa cho họ xem dấu lạ. Nhưng Chúa Giêsu không “chiều” theo những đòi hỏi của tính hiếu kỳ, Ngài cũng không “cưỡng ép” người ta phải tin một cách vụ lợi. Ngài không củng cố chỗ đứng của mình bằng những phép lạ mang tính phô trương hoành tráng. Dấu lạ của Ngài, nói cách ví von bóng bảy, là dấu lạ mang tên Gio-na, là câu chuyện về một vị ngôn sứ trở về cõi nhân sinh sau ba ngày nằm trong bụng cá; dấu lạ đó là chính Chúa Giêsu, Đấng chịu chết, và ngày thứ ba sống lại để ban ơn cứu độ cho nhân loại.

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Ca đoàn Têrêsa mừng bổn mạng và 35 năm hồng ân

Thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cuối Thu, bầu trời trong xanh hơn sau những cơn mưa bão tầm tã,  không khí tĩnh lặng của những ngày thường được thay bởi không khí nhộn nhịp và tấp nập của những bước chân hối hả tiến về thánh đường giáo xứ Xây Dựng, hạt Chí Hòa, tham dự thánh lễ chiều 17g00 thứ bảy, ngày 01.10.2011, mừng kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng Ca đoàn Têrêsa và kỷ niệm 35 năm thành lập Ca đoàn.

Lời Chúa chúa nhật XXVIII:"Mời Hết Vào Tiệc Cưới"

Mặc Áo Cưới


Với tình thương yêu, Thiên Chúa dọn tiệc mời. Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời con người đến dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương con người.

Đó là một tình yêu nhưng không.
Thiên Chúa là vị vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.

Không phải là Đấng Kitô

Lời Chúa thứ bảy tuần 27 thường niên

Ông Gioan trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài’.” (Ga 3,27-28) 

Suy niệm: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô.” Đó là tâm tình của Thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta hôm nay. Chúa đã khởi sự sứ mệnh tông đồ bằng việc đến xin Gioan làm phép rửa cho mình. Từ vị thế một người vô danh từ trong đám đông, Chúa đã từ từ thu nhận môn đệ, và cuối cùng trở thành một bậc thầy, hơn cả Gioan. Ảnh hưởng của Chúa càng lớn thì vai trò của Gioan càng mờ nhạt. Gioan không ghen tức và buồn phiền vì Chúa thành công, nhưng đã vui mừng vì đã đóng trọn “vai phụ” của mình. Hơn thế nữa, Gioan đã khơi dậy niềm vui và qui hướng mọi người về với Chúa.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Đấng Ba Lần Phúc


Lời Chúa thứ sáu tuần 27 thường niên

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28) 

Suy niệm: Trong chuỗi Mân Côi, kinh Kính Mừng là kinh được lặp đi lặp lại nhiều hơn cả. Kinh này có hai phần. Phần một suy niệm về ân phúc nhờ đó Mẹ được ca tụng; phần hai là lời khẩn nguyện của mỗi tâm hồn. Ở phần một, tiếng phúc được nhắc đến ba lần. “Phúc,” vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. “Phúc,” vì Mẹ được chọn giữa các người nữ. “Phúc,” vì Đức Giêsu ở trong lòng Mẹ. Nếu suốt chuỗi dài của lịch sử dân tộc mình, người Do Thái đã thấy hạnh phúc và bình an khi có Hòm Bia Thiên Chúa ở giữa họ, dù Hòm Bia chỉ là dấu chỉ, là sự thông báo có Đấng ban muôn ân phúc cho họ, thì nay, Đấng ấy đến trong lịch sử nhân loại, hiện diện trong lòng Mẹ. Mẹ là kho tàng ân phúc, bởi Đức Giêsu trong lòng Mẹ là nguồn mạch mọi ân phúc. Do đó, khi cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng, tín hữu vừa ca tụng tình yêu Chúa, vừa chúc mừng Mẹ, vừa nhận ra mình đang hạnh phúc như Mẹ: Chúa đang ở trong mình.

Mời Bạn: Mỗi khi hiện ra, Mẹ luôn kêu gọi siêng năng lần hạt Mân Côi, và Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: sau giờ kinh phụng vụ, chuỗi Mân Côi là cao điểm của kinh nguyện gia đình; vậy bạn, gia đình bạn còn trung thành lần chuỗi Mân Côi không?

Sống Lời Chúa: Bạn dâng một chuỗi cầu nguyện cho một người hay một gia đình đang xa Chúa. Xin cho họ được phúc có Thiên Chúa ở cùng.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, Mẹ được hạnh phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ sống tận hiến đáp lại tình Chúa yêu. Xin cho con đừng quên lãng hạnh phúc này, nhất là khi rước Thánh Thể con Mẹ. Ước chi con biết tận hiến như Mẹ.

Nhóm Biên Soạn suy niệm Lời Chúa

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Ơn Chúa Ban

Lời Chúa thứ năm tuần 27 thường niên

“Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?” (Lc 11,11-12) 

Suy niệm: Nói đến rắn rết hay bò cạp, người ta liên tưởng ngay đến thứ nọc độc cực mạnh của chúng, nếu tiêm chích vào cơ thể chúng ta, sẽ gây đau đớn khủng khiếp thậm chí có thể nguy đến tính mạng. Lẽ thường tình không ai trong chúng ta muốn gặp phải tai nạn như thế, và cũng chẳng muốn cho người thân của mình bị những sự dữ đó. Bằng một phép so sánh đầy thuyết phục, Chúa Giêsu quả quyết nếu như chúng ta, những con người không phải là hoàn hảo, mà còn muốn những điều tốt cho người khác, thì huống chi Thiên Chúa, Cha của Ngài, là Đấng nhân lành lại không muốn điều tốt đẹp cho con người hay sao? Vậy thì còn lý do gì mà bạn không dám xin Ngài ban cho bạn những điều cần thiết để đạt tới cuộc sống hạnh phúc đời đời?