Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Mọi sự rồi sẽ qua đi

Lời Chúa thứ ba tuần 34 thường niên
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)

Suy niệm: Sử gia Do Thái Giosêphô đã tỉ mỉ mô tả vẻ huy hoàng tráng lệ của đền thờ Giêrusalem, đặc biệt khi ánh mặt trời chiếu vào những gốc nho bằng vàng khối cao bằng người thật. Người Do Thái tự hào nói rằng: “Ai chưa nhìn thấy Giêrusalem trong vẻ tráng lệ của nó thì không bao giờ có được niềm vui.” Thế nhưng, Đền thờ hùng vĩ ấy sẽ bị binh lính Rôma đốt cháy bình địa năm 70. Giêrusalem và bao công trình kiến trúc vĩ đại khác -niềm tự hào của con người- rồi cũng bị tàn phá theo thời gian, nhắc cho ta nhớ đến sự mong manh của sự vật trong thế giới, cũng như sự mỏng dòn, vắn vỏi của chính cuộc sống con người. Điều nghịch lý là không phải những thứ tưởng vững chắc như đá, xi măng, sắt thép sẽ bền vững, trái lại chỉ có tấm lòng nhân ái của con người mới tồn tại mãi qua thời gian.

Thiếu nhi Giáo xứ Xây Dựng: Tri ân các thầy cô

Hòa chung niềm vui cả nước trong ngày Nhà Giáo Việt Nam, vào 9g00 ngày 20.11.2011 sáng Chúa nhật, Ban Giáo lý giáo xứ Xây Dựng đã tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho quý thầy, cô là những Giáo lý viên. Đây là dịp để các em thiếu nhi bày tỏ lòng tri ân các thầy cô, những người đã giúp đỡ các em trong việc giáo dục Đức tin.

Trước Thánh lễ, một em lớp Thêm sức đại diện cho các em thiếu nhi đọc lời chúc mừng kính dâng lên thầy cô. Sau đó các em lớp khai tâm với tâm hồn đơn sơ, hồn nhiên đã dâng tặng các thầy cô những bông hoa tươi thắm.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Sứ Điệp Bình An


Lời Chúa thứ năm tuần 33 thường niên
“Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19,42)
Suy niệm: Những ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa luôn đề cập đến tai hoạ và bình an. Tai hoạ sẽ trở thành an bình khi con người thực hiện những cái “phải chi!” Có những cái phải chi đem đến khổ đau và hối hận, kiểu như phải chi “ngày ấy mình đừng quen nhau, thì ngày nay có đâu buồn đau!” Nhưng cũng không thiếu những cái phải chi mang lại an bình, đó là phải chi ngày hôm nay mỗi người nhận ra những gì đem lại hạnh phúc và bình an. Cũng như phải chi trong những ngày ấy, người Do Thái nhận ra Đức Giêsu hiện diện giữa họ để đem niềm vui và an bình, phải chi họ vâng nghe theo lời giảng dạy của Ngài, họ đâu phải chịu cảnh lưu đày sau khi đền thờ bị phá hủy năm 70.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Hồng Ân Sự Sáng


Lời Chúa thứ hai tuần 33 thường niên
Anh mù kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi.” (Lc 18,38-40)

Suy niệm: Bị mù bẩm sinh, chắc chắn người thanh niên trong câu chuyện trên không thể biết được Chúa Giêsu là ai, dung mạo ra sao, có tài năng gì… ngoại trừ dựa vào lời kể của những người xung quanh. Thế nhưng, khi hay tin có Chúa Giêsu đi ngang qua, anh lập tức khẩn thiết kêu xin Chúa chữa bệnh cho mình, bất chấp sự cản trở của đám đông. “Lạy con vua Đavít…” Anh kêu lên như đã biết tường tận Chúa Giêsu từ lâu. Đôi mắt thể xác có bị mù loà đôi mắt nhưng anh đã để cho Chúa là nguồn ánh sáng, khai mở đôi mắt tâm linh để anh nhận ra sự hiện diện của Chúa ở giữa nhân loại; điều mà nhiều người đồng thời với anh, có đủ hai mắt, đã không nhận ra, lại còn cản trở anh đến với Chúa!

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Khóa Kỹ Năng Quản lý CNTT - IT Manager (Lần IV)

Thiếu sót là chúng ta


Lời Chúa thứ tư tuần 32 thường niên
Đức Giêsu nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,16)

Suy niệm: Một ký giả hỏi mẹ Tê-rê-xa: “Đâu là những thiếu sót của Giáo Hội hôm nay?” Mẹ trả lời: “Ông và tôi, chúng ta là sự thiếu sót ấy, vì chính chúng ta là Giáo Hội”. Thật vậy, những thiếu sót nơi Ki-tô hữu làm biến dạng gương mặt thánh thiện và khả ái của Hội Thánh. Đâu đó có vài Hội Thánh thu nhỏ, thay vì là dấu chỉ Nước Trời lại có nhiều dấu vết của “hang trộm cướp,” của “nơi buôn bán.” Có những Ki-tô hữu sống như vật lạ trong thân thể Hội Thánh khiến cho sự sống của Chúa Ki-tô không thể phát triển; họ trở thành dị dạng khiến người khác không thể nhận ra hình ảnh Đức Ki-tô nơi họ; đền thờ tâm hồn họ đang dần trở nên sào huyệt của ma quỷ. Thiếu sót ấy là chúng ta.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Xin Làm Người Tôi Tớ Vô Dụng

Lời Chúa thứ ba tuần 32 thường niên
“Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)

Suy niệm: Cha Vũ Phan Long dòng Phanxicô nói về một anh em linh mục trong dòng vừa qua đời cách đột ngột rằng: “Hôm nay, người tôi tớ ấy đang làm công việc được giao, thì đã phải dừng lại. Hẳn là anh đang nói với Thiên Chúa: ‘Con là tôi tớ vô dụng, vì con chỉ biết làm những việc phải làm’.” Vào một lúc nào đó trong cuộc đời, mỗi người đều phải tìm cho được câu trả lời cho vấn nạn “Tôi là ai?” để xác định le sống cho đời mình. Đức Kitô cho biết để có câu trả lời thoả đáng chúng ta hãy đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa: tôi là người tôi trung của Ngài: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Tha Thứ Như Chúa Thứ Tha


Lời Chúa tuần 32 thường niên
“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần,…” (Lc 17,4)

Suy niệm: Những ai đọc truyện “Tam Quốc Chí” không thể không nhớ tích chuyện “Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch.” Để thu phục Mạnh Hoạch, thủ lãnh một bộ tộc hùng mạnh ở Vân Nam, Khổng Minh dùng mưu kế bắt sống ông ta rồi lại tha về, để cho ông chiêu mộ binh mã đánh trận phục thù. Cứ như thế, bảy lần bị bắt rồi lại bảy lần được tha, Mạnh Hoạch khẩu phục tâm phục, trở thành chư hầu trung thành của nhà Thục Hán. Đối với Thiên Chúa thì sự so sánh như thế vẫn tỏ ra bất cập. Ngài là Đấng vô cùng thánh thiện, bất kỳ sự xúc phạm nào đến Ngài cũng là vô cùng nặng nề. Vì thế khi Ngài tha thứ cho chúng ta nhờ giá máu châu báu của Người Con Chí Ái của Ngài, thì sự tha thứ của Ngài là không giới hạn. Chúa Giêsu dạy: là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta: “Dù người anh em xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận,’ thì anh cũng phải tha cho nó.”

Mời Bạn: Theo tính tự nhiên, tha thứ, không phải là chuyện dễ dàng, thậm chí lắm khi không thể được. Thế nhưng một khi Con Thiên Chúa đã chết để tha thứ những gì chúng ta xúc phạm đến Ngài thì việc tha thứ cho nhau đã trở thành điều có thể làm và hơn nữa buộc phải làm. Vậy mỗi khi có ai xúc phạm đến bạn, hãy nhìn lên thánh giá để nhớ rằng nơi đó mình đã được tha thứ để chính mình cũng mở lòng ra mà tha thứ cho anh chị em.

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng đi bước trước để làm hoà, tha thứ cho người khác mỗi khi có chuyện xích mích, bất hoà.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

Nhóm Biên Soạn Lời Chúa

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Nhạy Bén Chuyện Nước Trời

Lời Chúa thứ sáu tuần 31 thường niên
Đức Giê-su nói: “Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8)
 
Suy niệm: Đã có những người đầu cơ nhà đất trúng đậm, nhờ biết mua đất khi giá rẻ và bán lại lúc lên giá. Người đánh cờ tướng, cờ vua, phải tính trước nhiều nước, mới mong thắng được đối thủ của mình. Trong cuộc cờ hay trong cuộc đời, ai cũng phải nhắm trước tương lai, nhạy bén trước tình thế sẽ xảy đến, để chuẩn bị trước, ngay từ bây giờ. Đức Giê-su than thở, vì con cái đời này rất tinh nhanh trong những nước tính toán chuyện trần thế, còn con cái sự sáng, những Ki-tô hữu chúng ta, lại ‘gà mờ’ trong việc lo đạt được những giá trị của Nước Trời. Phải chăng chúng ta coi chuyện sống đạo là việc làm thêm, được thì tốt, không xong thì cũng chẳng sao?

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Cha là Mục Tử

Lời Chúa thứ năm tuần 31
“Triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 15,10)

Suy niệm: Vật gì càng quý thì khi bị mất người ta càng tiếc; mà càng tiếc thì càng cố công tìm lại; tiếc xót bao nhiêu thì khi tìm được người ta càng vui mừng bấy nhiêu. Xét theo giá trị vật chất thì 1 con chiên làm sao sánh bằng 99 con. Thế mà người mục tử khi tìm được con chiên lạc, lại vui mừng như thể là nó đáng quý hơn cả 99 con không lạc mất (Lc 15,4-6). Con chiên còn như thế, huống chi là con người. Trước mặt Thiên Chúa, con người có giá trị thật lớn lao, bởi vì đã được Ngài tạo dựng giống hình ảnh của Ngài, được Ngài rất mực yêu thương, như cha mẹ yêu thương con cái, như người chồng yêu thương vợ mình. Con người đó đã “bị lạc mất” do tội lỗi, còn gì đau đớn cho bằng. Vì thế, Thiên Chúa đã thật sự ra khỏi ‘nhà mình’, bỏ địa vị là Thiên Chúa để như người Mục Tử rong ruổi nơi trần gian tìm kiếm những con chiên lạc. Như thế làm sao triều thần Thiên Chúa lại không vui khi một người tội lỗi sám hối trở về?

Mời Bạn: Con chiên vì vô tri nên có thể đi lạc và gây sự phiền hà cho chủ; nhưng thật khó chấp nhận những con người hữu tri lại cố tình đi lạc để gây đau khổ cho Cha! Nhưng con chiên lạc lại biết ngoan ngoãn trở về với chủ khi nó được tìm thấy; còn bạn có đang cố tình lờ đi tiếng gọi của Cha không?

Sống Lời Chúa: Không bỏ qua bất cứ dịp nào (xét mình, phần thống hối đầu lễ, v.v…) để sám hối làm hoà với Chúa. Đồng thời hằng ngày cầu nguyện cho người tội lỗi được hoà giải với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, cảm tạ Cha đã không bỏ mặc con trong tình trạng bê tha tội lỗi. Xin thứ tha và rộng tay đón con trong sự quyết tâm trở về hôm nay.

Nhóm Biên soạn Lời Chúa